Hội thi gói bánh thờ làng Gượm

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Phiên bản vào lúc 05:11, ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Admin (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “Lễ hội mùa xuân của làng Gượm (tức làng Phú Đa, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Tây) được mở vào ngày 11, 12 và 13 tháng…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Lễ hội mùa xuân của làng Gượm (tức làng Phú Đa, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Tây) được mở vào ngày 11, 12 và 13 tháng Giêng hàng năm. Ngày hội mở ra rất nhiều cuộc thi và các trò vui đầy chất thượng võ như: Thi gà thờ, thi bánh chưng thờ, thi đấu vật, thi têm trầu cánh phượng...

Riêng cuộc thi bánh chưng thờ khá phức tạp. Theo sự tích thành hoàng thờ ở đình làng Phú Đa thì Nguyễn Kính là tướng của nhà Mạc, ông có tài thao lược đã được vua Mạc phong tước Quận công, thái úy Tây Kỳ Vương thượng Trụ Quốc; khi về hưu, ông được phong ấp ở làng Phú Đa. Khi Trịnh Tùng đem quân đánh nhà Mạc, trận chiến ác liệt ở Bún Thượng, tuy đã về hưu nhưng Nguyễn Kính đã chiêu mộ quân sỹ để kéo lên giúp nhà Mạc chống lại Trịnh Tùng. Trước khi ra quân, ông triệu tập nhân dân ở 2 làng Phú Đa và Phú Lễ và tuyên bố rằng, nếu “đánh thắng thì cho dân nhờ, còn nếu bại thì nhờ dân”. Ông gửi lại bà mẹ nhờ dân nuôi dưỡng. Hàng ngày, dân 2 làng thường gói bánh chưng và làm món rau cần nộm bún để biếu bà. Trận đánh ở Bún Thượng quân Mạc thua to, Nguyễn Kính bị chém, thi thể của ông trôi theo sông Tích về đến đoạn sông giữa 2 làng Phú Đa và Phú Lễ thì dạt vào bờ, sóng đánh đưa vào đến chân núi Miễu. Nhân dân làng Phú Đa vớt lên núi để hôm sau chôn cất. Nhưng sáng hôm sau ra xem thì mối đã đùn đắp lên thi thể của ông thành một chiếc gò đất lớn. Nhân dân giữ nguyên đất mối, sau đó có một khu rộng lớn đã mọc lên thành rừng cây ô rô, trâu bò không thể chui vào được. Nhớ lời nguyền trước khi ra trận, dân 2 làng đã tôn ông Nguyễn Kính làm thành hoàng thờ ở điện ngang cùng bà mẹ ông. Sau đó, vua Triều Nguyễn đã sắc phong ông là Thượng đẳng phúc thần và bà mẹ là Quốc thái phu nhân. Cứ đến 11, 12 tháng Giêng hàng năm lại mở hội để tưởng nhớ vị thành hoàng và tổ chức các nghi tế dâng lên cụ Kính và bà Quốc thái phu nhân những chiếc bánh chưng, món rau cần nộm bún và những đĩa trầu têm cánh phượng để nhớ lại một thời nhân dân đã nuôi dưỡng bà mẹ của cụ Kính.

Lệ thi gói bánh thờ cũng bắt nguồn từ sự tích đó. Hàng năm, các vị chức sắc trong làng dành hẳn 1 sào ruộng tốt giao cho các giáp được phân công gói bánh thờ. Giống nếp cấy để gói bánh phải là nếp cái hoa vàng vừa thơm vừa dẻo.

Theo hương ước của làng, mỗi giáp được giao gói 2 chiếc bánh. Bánh gói theo kiểu bánh tày, có chiều dài 50cm, đường kính bánh đã bóc bỏ lá phải đạt 20cm. Mỗi chiếc bánh nặng 2,5kg (trừ bỏ lá). Ở làng tôi chỉ có 3 nhà có nồi đồng có đường kính 60cm, đó là những nhà giàu, sắm chỉ để luộc bánh thờ mỗi năm 1 lần. Người được chọn gói bánh thờ phải là người có đạo đức tốt, vợ chồng song toàn, không can án, không có tang. Sau khi thu hoạch lúa nếp cấy ở ruộng của làng, người được gói bánh thờ phải sàng sảy kỹ lấy hai yến thóc nếp để riêng vào một chiếc chum để thóc không bị ẩm hoặc mối mọt. Tết đến mang thóc ra phơi khô, sàng sảy lần nữa để khi xay giã gạo không bị gãy nát. Lá dong để gói bánh thờ phải chọn lá to và dài đủ vừa với kích thước của bánh thờ. Ruộng để cấy lúa gói bánh thờ chỉ làm 1 vụ lúa mùa (gặt vào tháng 10), vụ chiêm không cấy lúa mà chỉ để trồng đậu. Thu hoạch đậu vào tháng 4 xong cũng phải chọn lấy 2kg đậu ngon, loại bỏ hát lép.

Vào 27, 28 tháng chạp, người được giao gói bánh thờ phải xay giã gạo, khi xay gạo xong đem giã phải cho ít lá dứa, lá mây trộn vào gạo để giã cho hạt gạo có màu xanh biếc. Còn đậu cũng phải xay trước và loại bỏ những hạt bị nát. Bánh thờ to như vậy nên không thể đem gạo gói n_ mà phải đồ gạo cho chín như đồ xôi; đậu sau khi đãi sạch vỏ, cũng phải đem nấu chín. Xôi dỡ ra để nguội, lá dong được xếp can nhau 3-4 lá, để xôi vào dạt ra cho đều, vê đậu thành khúc to bằng chiếc vỏ chai, rồi đặt vào giữa, sau đó vén xôi hai bên lại cho kín nhân đậu. Vén lá 2 bên để tạo thành chiếc bánh tày dài khoảng 60cm, sau đó quấn lạt giang cho chiếc bánh tròn đều.

Sau khi gói xong phải cho bánh vào nồi đồng đổ nước nóng vào luộc. Muốn cho bánh dẻo, khi sôi đều, nước trồi lên trên bánh, phải tắt bếp khoảng 2-3 giờ để cho nồi bánh nguội hẳn rồi mới đun lại, khi nước sôi lần 2 được 15 phút mới vớt bánh ra lăn cho bánh tròn đều là được. Cái khó của việc gói bánh tày là khi cắt bánh ra nhân phải ở chính giữa, bánh phải mềm và đủ kích thước, có màu xanh lá cây mới đạt.

Ngày hội bắt đầu từ 11 tháng Giêng, từ sáng sớm, thanh niên trai tráng của các giáp mặc áo dài thắt lưng đỏ, quần trắng đội mâm bánh có 2 chiếc phủ vuông vải điều cùng bà con kéo nhau ra đình. Tại sân đình, các cụ đã để sẵn 4 chiếc bàn, bánh được xếp lên bàn để các cụ từ đưa vào cung thờ thánh, sau đó cuộc tế thần bắt đầu. Sau khi tế xong, Ban giám khảo có đủ các cụ chức sắc của 4 giáp cùng chấm giải.

Tất cả bánh của 4 giáp được bóc bỏ lá để cân từng chiếc, sau đó chấm màu bánh, nhân bánh phải tròn đều ở chính giữa. Nếu bánh thiếu cân, bánh có màu vàng hoặc nhân bị lệch sẽ bị phạt. Nếu bánh dẻo, mềm, có màu xanh, nhân ở chính giữa, khuôn bánh tròn đều sẽ được giải 3 quả cau và 3 tiền (mỗi tiền bằng 60 đồng). Giáp nào được giải sẽ được tổ chức rước bánh và giải về để chia cho các hộ trong giáp. Giải thưởng không lớn, nhưng có tác dụng động viên bà con tích cực cấy giống lúa nếp cái và trồng đậu để có nguyên liệu gói bánh vào dịp tết. Người gói bánh được giải sẽ được may mắn cả năm, ăn nên làm ra và được mọi người kính nể. Do có tục gói bánh thờ nên ở quê làng Phú Đa vẫn gói bánh ăn tết theo kiểu bánh tày (miền Nam gọi là bánh tét).