Hội thả diều làng Bá Giang ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây diễn ra vào ngày rằm tháng ba âm lịch. Hội thả diều này gắn với "tiệc" ông Nguyễn Cả, một danh nhân của làng, nguyên là tướng giỏi của Đinh Tiên Hoàng.

Sau khi giúp vua Đinh thu giang sơn về một mối, dựng nền độc lập, ông Nguyễn Cả từ quan, về quê dạy dân trồng trọt, mở mang cơ nghiệp. Có truyền thuyết cho rằng, ông Nguyễn Cả vốn là con của một Hầu Công (ông khỉ). Về cuối đời, ông sống cảnh điền viên và bày những trò vui thanh cao, trong đó có chơi diều cùng đám trẻ mục đồng. Một hôm, trên gò đất ông hay cùng mọi người chơi diều, bỗng Hầu Công xuất hiện. Ông cúi đầu làm lễ kính cẩn. Khi đó, hiện ra mây trắng sà xuống nâng hòn đá bay lên. Mây trắng bọc hòn đá thoắt biến thành mây ngũ sắc. Và văng vẳng có giọng đọc thơ:

"Giáng sinh trần thế tại gò này
Nay lại về trời tựa áng mây..."

Tiếng thơ vừa dứt thì sấm chớp, mưa gió. Ông Nguyễn Cả cũng hóa lúc đó. Nhân dân tiếc thương lập miếu thờ ông Nguyễn Cả n_ ở gò đất này. Hiện nay, miếu ông Cả còn đôi câu đối:

"Sinh tiền tích trứ Đinh triều soái
Hóa hậu linh chiêu Bá ấp thần"

(Khi sống triều đình lừng tướng giỏi
Hóa rồi ấp Bá rạng thần thiêng)

Ngày nay, miếu Bá Giang đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Cửa miếu nhìn ra cánh đồng rộng và con đê sông Hồng. Đây cũng là địa điểm hằng năm mở hội thả diều.

Tháng ba mới là hội thi, nhưng từ tháng tám năm trước, trong làng đã rục rịch làm diều. Người ta chọn tre, mua giấy, khoét sáo, chuốt dây... rất tỷ mỉ, công phu. Xưa kia, dây diều làm bằng tre bánh tẻ vót chuốt đều, nối dài, rồi cuộn lại ngâm vào nước quả cây chuối hột và muối, rồi ninh sôi trong nồi ba mươi cả một ngày, thành dây vừa dai vừa mềm. Làm sáo diều bằng cách dùng nan tre đan thành ống, dùng sơn ta đun mà gắn với miệng sáo khoét bằng gỗ vàng tâm. Chiếc sáo vừa nhẹ, lại có tiếng vừa thanh, vừa ấm. Giấy dán diều bồi bằng giấy bản. Thời nay, dây diều là dây ni-lông, diều càng nhẹ càng dễ bay cao.

Mở màn hội thi thả diều là lễ rước bánh dày tưởng nhớ thần nhân. Sau đó, cuộc thi diều bắt đầu. Một người khéo tay nhất làng được cử làm chiếc diều tượng trưng to nhất, dài 5m, rộng 1,5m dán giấy hồng điều, trên cánh diều có đề bài thơ:

Gió hát trăng thanh hồn non nước
Sải cánh diều bay nhạc sáo ngân
Khi thiêng tướng Cả lưu truyền thống
Anh hùng rạng rỡ sáng lòng dân.

Mở đầu cuộc thi là lễ trình diều. Mọi người dự thi đều mang diều đến trình trước cửa Miếu. Mỗi năm có dăm, sáu chục người dự thi, ngoài người Bá Giang, còn có người Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Trung... Diều dự thi có thể dài đến 3 m, nhỏ thì cũng dài tới 1 m. Trong gió nồm nam của buổi chiều quê, mấy chục cánh diều cùng bay lên. Dưới đồng, lúa đang thì con gái rì rào. Trên trời, tiếng sáo vi vút bay xa. Người ở trên bờ đê, ở trước sân đình, ở trong làng đều có thể ngắm diều bay và nghe tiếng sáo hòa âm nhiều giọng rất đa cảm. Thỉnh thoảng, có con diều đứt dây, bay về phía sông Hồng. Người xem hội hò reo huyên náo và cười vang rất sảng khoái. Trẻ nhỏ trong làng đua nhau thả lên trời hàng trăm diều nhỏ có đuôi bay phấp phới. Như vậy, trên không gian có mấy tầng diều cao thấp bay chấp chới nhiều vẻ. Tiếng sáo càng cao lại càng vang xa, làng diều trông thật ngoạn mục.

Hội diều diễn ra chừng hai tiếng đồng hồ thì một số diều bị đứt dây, tự loại khỏi cuộc thi. Số diều đạt đến tầng cao và bay đậu giữa trời đã giảm dần. Vào giai đoạn chung kết chỉ còn mươi chiếc diều. Ban tổ chức hội thi tập trung ở đền Châu Trần, n_ cạnh miếu Bá Giang. Những người ứng thí lùa dây diều vào buộc ở hàng cột trước cửa đền Châu Trần. Các giải nhất, nhì, ba trao cho những người có diều bay cao, không chao đảo và có tiếng sáo hay nhất. Sau khi người trúng giải đem phần thưởng vào lễ tạ nhân thần, hội thi kết thúc.

Vậy nhưng, những con diều vẫn còn bay đến tận đêm khuya. Làng Bá Giang trong đêm trăng với tiếng sáo diều thật thanh bình, thật thương mến...