Hội bơi trải truyền thống phổ biến khắp các làng vùng sông nước để kĩ niệm những sự kiện lịch sử có liên quan đến làng và các vị thần thánh có công với làng. Lễ hội vừa mang màu sắc tâm linh: lễ tế thần và cầu siêu cho vong hồn người tử nạn trên sông nước, vừa là ngày hội vui chơi (hò khoan, chèo cạn, múa bông....) dịp để dân làng thi tài vật lộn với sông nước và thao diễn kĩ thuật nghề sông nước, mang tinh thần thượng võ. Hội bơi chải đã thành tập tục, một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân ta, đặc biệt là bà con ngư dân sinh sống dọc theo vùng sông nước trong dịp hội hè hay các ngày lễ, tết.

Ở Quảng Bình, hội bơi trải thường được tổ chức ở những nơi gần biển, gần sông như làng Cảnh Dương. Nhân dân Cảnh Dương thường tổ chức hội bơi trải vào tháng khởi đầu của vụ cá Nam (tháng 4, tháng 5 Âm lịch). Tham gia cuộc bơi thi có 4 thuyền (4 trải), mang 4 màu cờ và khăn áo khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng. Mỗi thuyền có từ 8 đến 12 tay cầm, 2 người chèo lái, một người đánh nhịp, một người tát nước, một người chạy thẻ. Mở đầu cuộc thi là cuộc chạy thẻ tiếp sức từ sân Đình Lớn xuống bến sông - nơi có thuyền đậu. Trải nào nhận được thẻ trước thì xuất bến trước. Hội thi bơi của làng Cảnh Dương diễn ra trong một ngày, đường bơi cả đi lẫn về chừng 2 km, dọc sông Ròn, gần cửa lạch ngược lên. Buổi sáng bơi một 1 vòng, buổi chiều bơi 4 vòng, điểm tính chung cho cả cuộc bơi. Người làng cho rằng: thuyền nào dành được giải nhất thì năm ấy chủ thuyền và bạn, lái làm ăn phát đạt. Hội thi bơi thu hút hàng ngàn người đến xem. Người xem đứng hai bên bờ sông, vẫy tay, khoát nón, reo hò cổ vũ cho hội nhà.