Hội đền hai bà Trưng

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Phiên bản vào lúc 04:02, ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Admin (Thảo luận | đóng góp) (Thay thế văn bản – “Lễ_hội_Việt_Nam/Lễ_hội_miền_Bắc” thành “Lễ hội miền Bắc”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Nằm cách đường Nguyễn Công Trứ chừng 500 mét, thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng là một ngôi đền kiến trúc theo lối xưa. Trước cửa đền là một cây đa lớn cành lá xum xuê tạo cho ngôi đền một vẻ linh tú, nghiêm trang. Đây chính là nơi thờ hai vị nữ vương duy nhất của Việt Nam là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Sau ba năm kiên cường chống quân xâm lược phương Bắc (40-43), cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nhưng đã để lại cho dân tộc ta tấm gương trung trinh của nhị vị nữ anh hùng, làm rạng ngời ý chí và bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam. Tưởng nhớ sự nghiệp vẻ vang của Hai Bà cùng các tướng lĩnh, nhân dân đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Nhưng nổi tiếng hơn cả, phải kể đến ba ngôi đền: đền Hát Môn (Hà Tây), đền Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) và đền Đồng Nhân (Hà Nội).

Đền Đồng Nhân được khởi dựng vào năm 1142 đời Lý Anh Tông, sau sự kiện huyền kỳ về pho tượng Hai Bà bằng đá trôi theo dòng sông Hồng dạt vào bờ và toả sáng bãi Đồng Nhân đêm 6 tháng 2. Từ đó thành lệ cứ vào dịp này hằng năm dân làng tổ chức lễ hội. Đến năm 1819, bãi sông lở, đền chuyển về Sở Võ (giảng võ đường thời Lê) tại thôn Hương Viên, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội.

Hội đền Đồng Nhân kéo dài trong bốn ngày từ 3 đến 6 tháng Hai. Lễ hội bắt đầu bằng lễ mở cửa đền ngày mồng 3. Sáng ngày mồng 4 dân làng đã bắt đầu tế (là lễ nhập tịch). Đến ngày mồng 5 là ngày chính hội. Trong ngày này có lễ tắm tượng, tế nữ quan và tổ chức múa đèn, ngày mồng 6 tế lễ chay. Theo tục cũ mọi việc dâng cúng trong hậu cung đều do các lão bà thực hiện.

Sau tế lễ, đến múa đèn. Tốp múa đèn gồm từ 10 đến 12 cô gái độ tuổi thanh xuân đẹp đẽ và tầm vóc như nhau đã được tập luyện chu đáo. Tất cả các nữ vũ công này đều mặc áo dài đen, quần hồng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn lụa màu. Mỗi người cầm trên hai tay hai đèn làm bằng đài gỗ, dán giấy màu xung quanh và thắp nến cháy sáng ở giữa. Tốp múa này sắp thành hàng trước hương án và múa uyển chuyển, lúc lên lúc xuống, lúc đan xen, lúc tách hàng theo tiếng trống cơm bập bùng nhịp nhàng của hai cô gái đánh bồng (do nam giới cải trang) làm nhịp cho điệu múa.

Ngày mồng 6 rã hội có lễ dâng hương và đóng cửa đền.