Lối hát đối đáp giao duyên này thường tổ chức dưới đêm trăng thu ở các làng ven sông Nhuệ, sông Tô... trong hội làng Nhật Tân, Hải Bối, Long Biên.

Nhạc đệm cho hát trống quân rất đơn giản. Xa xưa là một cái hố sâu, bịt miệng bằng miếng gỗ mỏng, căng sợi dây mây dài ngang qua hố rồi lấy thanh tre chống từ mặt gỗ lên, làm căng dây mây, dùng dùi gỗ đánh vào dây phát ra tiếng trống đất “thình thùng thình” vừa ấm, vừa vui tai. Sau, người ta úp cái thùng sắt tây xuống đất căng sợi thép ngang qua thay cho trống đất, tiếng vang hơn.

Lời trống quân là thể thơ lục bát được ngắt ra mỗi câu làm 3 đoạn, cách nhau bằng tiếng đệm hoặc nhắc lại. Thí dụ:

Trống quân (mà) anh đánh (đánh) nhịp ba
Lúc vào (thời) nhịp bảy (ấy) lúc ra nhịp mười.
"Thình thùng thình"
 
Thường có hai toán nam nữ, hát thay nhau từng người, đối đáp vận câu tại chỗ. Mở đầu là câu ướm hỏi, rào đón:
 
- "Trước khi hát anh có lời rao
Không chồng thời vào có chồng thời ra
Có chồng thì tránh cho xa
Không chồng thì sẽ lân la đến gần"...
Không ngờ lại bị các cô trêu lại:
- Trống quân em lập lên đây
áo trải làm chiếu, khăn quây làm mùng
Đùa vui dưới ánh trăng trong
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi
Con thời em mướn vú nuôi
Chồng thời em để hát nơi xóm nhà!...
Lân la dẫn đến lúc mời trầu:
- "Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha, giấu mẹ đem ra mời chàng".
Rồi hẹn hò nhau:
- "Thương người lắm lắm người ơi
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than..."
Hoặc cất tiếng trách:
- "Công anh gánh đất trồng đào
Bây giờ hoa để lọt vào tay ai..."
Sau mỗi câu hát là tiếng đàn đệm "thình thùng thình" làm cho cuộc vui không biết lúc tàn, mê mải hát thâu canh cũng là chuyện thường ở nơi trăng nước hữu tình.