Hát chầu văn

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Từ khởi đầu để dùng chuyên trong nghi thức thờ cúng mẫu, dần mở rộng thành một thể loại ca nhạc dân gian hát trong lễ hội chung.

Giai điệu của hát chầu văn mượt mà, khỏe khoắn, vui tươi, nhịp mau dồn dập, dễ gây kích động người nghe. Nhạc chầu văn gồm đàn nguyệt, trống đế, thanh la và phách. Nam vừa đàn vừa hát gọi là cung văn. Đó là nhạc công giỏi ngón nguyệt lại phải có giọng hát hay. Hát chầu văn có nhiều làn điệu. Vào cuộc là “Sai quan tướng” dọn đường để lên đồng, tiếp đến “chầu văn thờ” ca ngợi các thánh mẫu, khi đồng lên hát các điệu “Dọc”, “Cờn”, vào vai ông Hoàng thì hát “Phú”, vai Mẫu Thoải hát “Luyến”, vài Bà chúa Thượng Ngàn hát “Xá”, lúc nhảy múa sôi nổi thì chuyển sang “nhịp một”, “chèo đò”. Lược bỏ yếu tố mê tín, hát chầu văn trở thành hát văn, một thể loại ca nhạc dân gian lành mạnh. Đền Ghềnh, Phủ Tây Hồ năm nào cũng mở hội thi hát chầu văn.

Hát chầu văn là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan.

Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như thơ thất ngôn, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất (có thể gọi là song thất nhất bát gồm có một câu tám và hai câu bảy chữ), hát nói,… Các thí dụ minh họa: - Thể thất ngôn: (trích đoạn bỉ của văn công đồng)

森森鶴駕從空下

Sâm sâm hạc giá tòng không hạ

顯顯鸞輿滿坐前

Hiển hiển loan dư mãn tọa tiền

不舍威光敷神力

Bất xả uy quang phu thần lực

證明功德量無邊

Chứng minh công đức lượng vô biên