Từ thời Lý, các cuộc vui, ngày lễ hội ở Thăng Long đều không thể thiếu trò diễn chèo. “Việt sử thông giám cương mục” cho biết các vua quan còn tổ chức các phường chèo hát trong cung đình. Từ Đạo Hạnh là người soạn bài “Giáo trò” cho chèo Thăng Long ngày ấy. Trong hội làng có chèo sân đình, do các gánh chèo bán chuyên nghiệp đi hát hết làng này sang làng khác, xong hội hè lại về làm ruộng. Sau mới thành phường nghệ thuật chuyên nghiệp đi lưu diễn các nơi.

"Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem"
Câu ca xưa đã nói lên niềm mê chèo của quần chúng lao động. Chèo đã thành món ăn tinh thần hấp dẫn của nông dân và thợ thủ công.

Chèo có nhiều làn điệu hát của riêng mình, đồng thời cũng thu nạp các loại hát dân gian, dân ca khác như xẩm, ví, ru con, quan họ, sa mạc, bồng mạc, cò lả... Diễn chèo là sự kết hợp phong phú và nhuần nhuyễn giữa hát - múa - âm nhạc. Đặc biệt có vai hề chèo để gây tiếng cười phê phán, đả kích những thói hư tật xấu trong đời sống. Chèo có thể diễn cả tích trò như Lý Công, Thạch Sanh, Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính... cũng có thể trích một đoạn trong vở để diễn như: Thị Màu lên chùa, Xúy Vân giả dại, Thày bói - cô đồng. Chèo sân đình diễn trên chiếu hoa trải ngay trên sân gạch trước đình, không có phông màn. Ban nhạc ngồi bên khán giả. Người xem có lúc đế cho diễn viên, lại có tiếng trống chầu điểm xuyết.