Diễn xướng tổng hợp ca - múa - nhạc trong hội làng mang tính cách nghi lễ trang trọng. Một cái nôi hát cửa đình là làng Lỗ Khê (nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh) tương truyền có từ thời Lê (TK XV). Từ hát cửa đình chuyển dần sang ca trù mang tính văn nghệ dân gian rồi hát thính phòng gọi là ả đào.

Phường Lỗ Khê khi hát thờ ở nhà thờ tổ Ca công có lệ hát ngâm hai khúc “Non mai” và “Hồng hạnh”. Non mai: Kép ngâm trước, đào ngâm lại sau; còn Hồng hạnh chỉ có đào ngâm. Hai khúc này không trình bày ở đâu khác.

Trình tự hát cửa đình Lỗ Khê như sau:

1. Giáo trống, 2. Giáo hương, 3. Dâng hương,

4. Thét nhạc, 5. Hát giai (gồm nhiều thể loại như đò đưa, huê tình, bắc phản, gửi thư, kể chuyện, sử, hãm, cung huỳnh.... chủ yếu là hát nói, mưỡu), 6. Đọc phú, 7. Đọc thơ, 8. Tỳ bà, 9. Đại thạch, 10. Bỏ bộ, 11. Bài bông, 12. Tấu nhạc - múa tứ linh.

Hát cửa đình trong các hội làng phải có nhiều đào nương và các tốp múa nữ phụ họa.

Bắt đầu bằng lễ tế thần ở ngoài sân đình gọi là tế ngoại tán. Cứ mỗi tuần rượu, đào nương phải múa nhạc theo tốp bốn người. Múa hòa nhịp với các động tác tế: xoay tròn hai cổ tay, chân bước lên, xuống, không được quay lưng vào ban thờ.

Hai đào múa xén ở hai bên.

Tế xong, cả tốp đào kép đứng hát chúc mừng, sau dạo trống đọc trước hương án câu “giáo trống”, “giáo hương” và hát bài “Thét nhạc”.

Đoạn tất cả ngồi xuống chiếu vào cuộc “hát giai” cửa đình kéo dài suốt đêm. Từ bài hát mừng xuân của ông tiến sĩ làng Vẽ là Lê Đức Mao soạn đầu thế kỷ XVI đến các bài phú, bài thơ, hát gửi thư, nhịp ba cung bắc, hát truyện, tỳ bà hành và nhiều nhất là các bài “hát nói” của các tác giả soạn ca trù nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Trần Tế Xương, Nghè Tân, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Thượng Hiền... Gần sáng, các đào múa hát bài Đại thạch rồi múa Bỏ bộ để tạ.

Hội lớn có múa tứ linh, múa Bài bông. Phải có từ 8 đến 16 hoặc 32 ả đào sàn sàn tuổi tác và chiều cao tham gia. Các đào tay cầm quạt múa, hai vai đeo hai đèn lồng thắp nến, trang phục múa riêng.

Nhạc múa cùng đàn đáy còn có nhị, sáo, trống cơm, sênh phách. Quản giáp đánh trống cái giữ nhịp và phát thẻ thưởng.

Hát cửa đình có tổ chức ở các hội làng Cót (Yên Hòa), Mọc Quan Nhân (Nhân Chính), Chùa Láng, Mỹ Đình, Phú Đô, Phù Đổng, Thạch Bàn, Đông Trù, Thủ Lệ, Bích Câu đạo quán... Từ hát cửa đình đi vào thính phòng thành ca trù. Đào nương ngồi hát, hai tay gõ phách lúc khoan thai, khi đổ dồn như cơn mưa trút nước. Kép đệm bằng đàn đáy, thùng đàn hình thang, ba dây tơ tằm mắc trên cần dài thể hiện 5 cung chính: cung nam trầm, cung bắc cao, cung nao uyển chuyển, cung pha nửa trong nửa đục và cung huỳnh gấp gáp. Âm thanh đàn đáy trầm ấm, đùng đục nghe như gần, như xa hòa lẫn trong tiếng phách, lại được điểm xuyết bằng tiếng trống chầu “tom, chát” làm tăng sức hấp dẫn người nghe.

Nghệ thuật hát ca trù đòi hỏi đào nương phải luyện âm tròn vành rõ chữ, sử dụng hơi trong là chủ yếu, rung giọng, nhả chữ, buông câu, bắt chợt, bắt chênh, bắt tròn... sao cho đài các, lịch sự, vừa thắm thiết đa tình lại vừa đoan trang kín đáo.

Khách nghe ca trù thường là bạn tri âm, tri kỷ, có thể đặt lời, viết bài cho đào nương hát nói, ngâm thơ, hãm...

Từ nghệ thuật cửa đình lễ nghi, đến ra rộng rãi trong dân gian, ca trù đi dần tới với một số người chọn lọc, tính bác học nâng lên làm giảm chất mộc mạc bình dân thời xa xưa. Tuy nhiên, ca trù vẫn là một thể loại ca nhạc dân tộc độc đáo của nước ta, mà ở Hà Nội đã từng có nhiều giáo phường nổi danh Hòe Nhai, Khâm Thiên, Thái Hà...