Xuất phát từ trò hề, kể chuyện vui làm giải trí cho vua quan trong triều từ thời Tiền Lê (TK X), sau phát triển thành trò hát bội - còn gọi là hát tuồng - phục vụ cung đình, rồi từ đó lan ra ngoài dân gian trở thành trò diễn phổ biến trong lễ hội, hình thành hai luồng nghệ thuật cùng song song tồn tại.

Tuồng - hát bội dân gian là sân khấu ước lệ, mang tính cách điệu cao, từ hóa trang bộ mặt rất đa dạng biểu trưng cho từng vai: trung, nịnh, thiện, ác, văn, võ... đến các động tác múa đao, phi ngựa.

Trong biểu diễn có nói và hát; diễn viên phải tuân thủ, âm điệu, tiết điệu của từng loại bài hát, từng cách nói thể hiện tình cảm và còn tùy trạng thái, tính cách nhân vật tạo ra được lối phát âm riêng cho vai trò. Hát kết hợp với múa là đặc trưng của tuồng. Văn tuồng rất chú trọng văn chương. Tuồng dân gian dùng chữ nôm, không sính chữ Hán như tuồng cung đình. Mỗi vở tuồng là một sự tích phỏng theo các truyện cổ nước ta hoặc truyện Tàu. Có vở kéo dài mấy đêm diễn mới hết như Anh hùng náo, Tiết Đinh San... gọi là tuồng pho. Nhiều nhà yêu nước đã soạn các vở tuồng kích động lòng ái quốc của nhân dân như Trưng Nữ vương của Phan Bội Châu, Nga mao oán của Phan Xuân Thiện, Đông A song phụng của Nguyễn Hữu Tiến...

Nhạc tuồng có nhiều bộ nhưng quan trọng nhất là bộ gõ và bộ hơi. Xã Cổ Loa và một số làng ở Đông Anh, Gia Lâm... còn có truyền thống hát tuồng đến nay.