Truyền thống xưa là các gia đình trong nhà dài đều làm chung và ăn chung. Đứng đầu đại gia đình là Khoa sang. Đó là người đàn bà cao tuổi và uy tín nhất đứng ra trông nom tài sản, hướng dẫn sản xuất, điều hòa các mối quan hệ mọi mặt giữa các thành viên, thay mặt đại gia đình mẫu hệ quan hệ với xã hội. Trong nhiều trường hợp người chồng có thể đại diện cho vợ, nhưng quyền quyết định vẫn là bà chủ gia đình. Mọi của cải trong gia đình là của cải chung và thừa kế theo họ mẹ. Khi vợ chết, người chồng phải trở về gia đình mình tay không, của cải và con cái để lại gia đình vợ.

Đàn ông trong gia đình Êđê chỉ có quyền sử dụng tài sản chứ không được sở hữu tài sản, vì thế khi con trai đi lấy vợ, gia đình anh ta chỉ cho một cái gùi nhỏ gồm áo, khố và xà gạc. Ngược lại với người Kinh, khi người Ê đê nói "Nội" tức là phía nữ và "ngoại" tức là phía nam. Nếu người đàn ông Êđê ngoại tình, phía nhà vợ không đứng ra nộp phạt cho người chồng đi ngoại tình mà chính gia đình mẹ hoặc chị em gái anh ta phải nộp phạt. Người đàn ông lấy vợ chỉ là một người đến ở nhà vợ và làm việc cho nhà vợ. Nếu người đàn ông đó lười biếng, người vợ sẽ bỏ chồng. Vì thế đàn ông Êđê có câu: “Ở với chị được làm người, ở với vợ làm đầy tớ".

Vị trí người đàn ông trong xã hội Êđê giống như phụ nữ người Kinh trước đây, rất thụ động. Về phân công lao động trong gia đình người Êđê, họ theo loại phân công lao động truyền thống tức là phân công theo giới tính và tuổi tác. Theo đó, người phụ nữ có nhiệm vụ gùi củi, bổ củi, lấy nước, nuôi con, dệt vải, dọn dẹp nương rẫy... và đàn ông thì đan lát, phát rẫy, mua sắm các vận dụng lớn như: chiêng, ché, trâu, voi... dĩ nhiên là với sự đồng ý của phụ nữ trong gia đình.