Gia tộc Việt Nam xưa nay chia làm hai bậc: nhà (tiểu gia đình), gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái và họ (đại gia đình), gồm tất cả mọi người cùng chung một ông tổ sinh ra, tức là gia tộc gồm có một chi trưởng và nhiều chi thứ. Theo luân thường, trong gia tộc Việt Nam người cùng một họ nếu lấy nhau sẽ phạm vào tội loạn luân.

Họ nào cũng có một nhà thờ chung cho cả họ (nhà thờ họ hay nhà thờ Đại tôn) và nhiều nhà thờ riêng của các chi nhỏ (nhà thờ Tiểu tôn).

Hàng năm, trong gia tộc và gia đình có các ngày giỗ và ngày Tết. Ngoài ngày giỗ tổ, là ngày kỵ huý riêng của các vị tiền nhân và các ngày thanh minh, tuẫn tiết, hoặc mỗi khi trong nhà trong họ có việc hiếu hỷ vui mừng cũng có làm lễ cáo gia tiên. Vì việc thờ phụng tổ tiên quan trọng như vậy, nên các nhà khá giả thường để ruộng giỗ giao cho trưởng tộc hoặc trưởng chi để lo việc tế tự tổ tiên, và người chủ trì việc cúng giỗ là gia trưởng ở các chi nhỏ (phân chia) và trưởng tộc ở trong gia tộc (đại tôn).