Gái thương chồng đương đông buổi chợ

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

"Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm" là một câu tục ngữ (TN) ý vị. Vậy mà mãi tới giờ, giới nghiên cứu ở ta vẫn chưa nhất trí được với nhau về cái nghĩa đích thực của câu trên. Tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Và làm thế nào để trả lời thoả đáng cho câu hỏi: người xưa muốn nhắn gửi gì cho con cháu qua câu tục ngữ ấy?

Trước khi trả lời mấy câu hỏi đó, có lẽ chúng ta nên cùng nhau đọc lại lời diễn giải từng được trích dẫn nhiều nhất ở ta: lời diễn giải của sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ do GS Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự biên soạn khá công phu và đã được in đi in lại nhiều lần kể từ ngày ra mắt tới nay. Theo sách trên, người xưa muốn nhắn gửi cho hậu thế ba điều:

(1) "[…] phản ánh sự chênh lệch, bất bình đẵng trong quan hệ yêu thương vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của tam tòng tứ đức. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo, thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn;

(2) […] phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào đương đông buổi chợ. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái nắng quái chiều hôm vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm;

(3) […] nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như đương đông buổi chợ. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu tình cảm của vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm hơn trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như nắng quái chiều hôm".

Tiếc thay, lời diễn giải ấy đã không được đông đảo bạn đọc đồng tình lắm vì họ cho rằng nó để lộ hai điểm cần tránh khi diễn giải TN. Thứ nhất, nó quá thiên về miêu tả, một điều hết sức xa lạ đối với TN, vì TN, như ai nấy đều biết, là thể loại sáng tác dân gian chỉ quen đưa ra những nhận định súc tích (như Chó treo; mèo đậy – Vàng gió; đỏ mưa – Nhà gỗ xoan; quan ông nghè, v.v và v.v.) hoặc những lời khuyên nhủ cô đọng (như Chị ngã em nâng – Ăn đấu trả bồ – Ra đường hỏi già; về nhà hỏi trẻ: Yêu trẻ trẻ đến nhà; kính già già để tuổi cho – Ăn cây nào rào cây ấy, v.v. và v.v.), chứ rất ngại đi sâu vào những miêu tả chi li. Thứ hai, có lẽ các tác giả đã nhầm khi coi câu TN này như một câu so sánh (tức Gái thương chồng NHƯ đương đông buổi chợ; trai thương vợ NHƯ nắng quái chiều hôm), mặc dù trong câu chẳng hề có một từ NHƯ nào và cũng chẳng hề có một dấu hiệu hình thức nào đòi hỏi phải diễn giải như thế cả.

Lối diễn giải nhầm lẫn đó, đến lượt mình, còn đẩy người diễn giải tới chỗ phải mắc thêm một sơ suất nữa: buộc họ phải xử lý hai ngữ đọan "đương đông buổi chợ" và "nắng quái chiều hôm" như là bổ ngữ chỉ phương thức/bổ ngữ chỉ mức độ cho vị từ thương. Do đã lỡ xử lý thế rồi, nên họ đành phải gán cho những ngữ ấy nhiều ý nghĩa mà mấy ngữ này vốn không có và cũng khó lòng có được trong bất cứ ngôn cảnh nào.

Sự khiên cưỡng lộ liễu ấy như thầm nhắc chúng ta: chớ có đi tiếp trên con đường các tác giả ấy đã đi. Nghĩa là đừng nên coi câu TN trên như là câu so sánh, mà nên xử lý nó như là câu tỉnh lược, một dạng câu còn thông dụng hơn câu so sánh gấp hàng trăm lần.

Nếu xử lý như thế thì câu có thể được viết lại như sau: "Gái thương chồng [thì phải hành xử ra sao để bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả lúc] đương đông buổi chợ ; trai thương vợ [thì phải hành xử ra sao để bày tỏ được tấm lòng chính mình ngay cả lúc] nắng quái chiều hôm".

Đến lúc này thì việc cần làm chỉ còn là đi tìm những biểu thức ngôn từ [linguistic expression] súc tích nhưng có thể diễn đạt thoả đáng cho những phần bị tỉnh lược vừa nêu. Vì đề tài mà câu TN đề cập là tình thương yêu vợ chồng nên biểu thức thích hợp hơn cả có lẽ là : NÊN HẾT LÒNG VỚI CHỒNG / NÊN HẾT LÒNG VỚI VỢ.

Bây giờ, ta hãy thử điền hai biểu thức ấy vào những phần đã tỉnh lược rồi kiểm định xem câu có ổn không. Kết quả thu được khá khả quan : "Đã thương chồng thì người vợ nào cũng NÊN HẾT LÒNG VÌ CHỒNG ngay cả khi đang buôn may bán đắt ; đã thương vợ thì người chồng nào cũng NÊN HẾT LÒNG VÌ VỢ ngay cả khi đang phải khổ sở với cái nóng quái ác lúc chiều hôm".

Đó chắc hẳn là điều mà người xưa muốn nhắn gửi cho con cháu. Nói khác đi, ông cha chúng ta muốn khuyên chúng ta rằng: đã yêu nhau thực lòng thì hãy hết lòng vì nhau ngay cả trong những tình thế khó mà tỏ bày được tấm lòng yêu thương kia.