Mỗi vùng đất trên quê hương Việt Nam đều chúa đựng những phong tục, tập quán với những nét văn hoá tiêu biểu, mang đậm bản sắc riêng. Song đến với Tây Nguyên dù chỉ một lần ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh xao động, lôi cuốn lòng người được rung ngân từ những bộ cồng chiêng. Cồng chiêng Tây Nguyên ẩn chứa những giá trị kiệt tác của nhân loại không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo bởi kỹ thuật diễn tấu mà còn là biểu tượng cho cuộc sống của con người Tây Nguyên để rồi với những nét văn hoá ấy đã đem đến cho Cồng chiêng Tây Nguyên trở thành một kiệt tác truyền khẩu di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại được Unesco công nhận .

Congdongviet net -200330-170844.PNG

Theo dòng lịch sử văn hoá cồng chiêng được bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại được biết đến với tư cách là một nền văn hoá trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị văn hóa của cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: Giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; Giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; Giá trị phản ánh đa chiều; Giá trị nghệ thuật; Giá trị sử dụng đa dạng; Giá trị vật chất; Giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; Giá thị tinh thần; Giá trị cố kết cộng đồng và Giá trị lịch sử. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người, thần thánh và thế giới siêu nhiên, những chiếc cồng chiêng của mỗi gia đình xưa kia còn biểu hiện cho sự giàu có, thịnh vượng của những con người nơi đây .

Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu. Nhạc cụ cồng chiêng có nhiều cỡ, đường kính từ 20, 50 đến 60 cm, loại cực đại tới 90 - 120 cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12 - 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18 - 20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có bộ tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng...Mỗi bài chiêng đều có rất nhiều bè, trong đó mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, bài chiêng có bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người đánh. Các nghệ sĩ cồng chiêng nhớ rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau rất hài hòa. Cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng giữa các chiếc cồng để làm thành thang âm điệu thức là điều rất đặc biệt.

VGuides-Cồng-Chiêng-Tây-Nguyên.jpg

Theo số liệu thống kê, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của 17 dân tộc thiểu số. Số lượng cồng chiêng còn lại đến nay ở Đăk Lăk vào khoảng 3.825 bộ (27. 428 chiếc chiêng) . Ở Gia Lai có khoảng 5.117 bộ cồng chiêng đang được lưu giữ tại các buôn làng. Bình quân mỗi làng có 2 đến 3 bộ; điều đáng nói là số lượng nghệ nhân ở một số địa phương của Gia Lai ngày một nhiều, trong 9.110 người biết sử dụng thì có khoảng 900 nghệ nhân giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết sửa chữa, nắn chỉnh cồng chiêng để có được thứ âm thanh như ý muốn. Số nghệ nhân này chính là linh hồn truyền cảm và cũng là những người “thổi hồn” cho cồng chiêng rung ngân những bản nhạc trầm bổng, có lúc bồng bềnh theo mây, nô giỡn cùng gió và ánh nắng tự nhiên; lại có lúc như hoà cuộn với ánh trăng và ánh lửa bập bùng réo rắt, rung động lòng người.

Người Tây Nguyên còn có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản. Người BaNa và Giarai có phương pháp đánh chỉ điệu (một bài trầm đánh trên một vài giai điệu); người Êđê đánh theo cách thức từng chùm...Ngoài ra còn có phong cách sử dụng chiêng của từng tộc người như người Chăm, Churu hay người Ra-glai, họ thường chỉ có 5,6 chiêng, số lượng ít hơn so với người Giarai, Êđê, M'nông.

Người dân Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng, mà thường dùng kết hợp với nhau. Trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội.

Giá trị của cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật chế tác mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng, chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Người Gia-rai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ hội "thổi tai", tiếng chiêng sẽ cấp cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Chiêng còn sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy, đưa người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội...của người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.

Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người Việt Nam. Nhưng với người Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.