Trong giao tiếp hàng ngày chúng ta thường gặp một số người có thói quen nói dài, nói dai, nói hết chuyện này đến chuyện khác. Thói quen đó đã được dân gian đúc kết lại bằng một thành ngữ rất cô đọng: “Con cà con kê”. Vì từ “con” mà từ trước đến nay vẫn có hai cách hiểu khác nhau về thành ngữ đó.

Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng có ý nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” (trong tiếng Việt cổ “cà” nghĩa là “gà”) và “kê” (tiếng Hán có nghĩa là “gà”). Song nếu vậy thì nghĩa đen của thành ngữ này hiểu một cách nôm na sẽ là: dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại con gà”? Mà như thế thì nghĩa đen này không phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ theo cách dùng phổ biến hiện nay.

Lại có người giải thích theo một cách khác, rằng: “cà” và “kê” trong thành ngữ nêu trên không phải là “gà” mà là “cây cà” và “cây kê”. Cà gieo thành đám. Trăm nghìn cây con mọc lên. Kê gieo thành đám như mạ. Cây cà, cây kê đến tuổi trồng, người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi trồng. Công việc trồng cà, trồng kê tỉ mẩn, vào những ngày mưa, với việc tỉa ra từng cây một, rề rà. Từ đó, nghĩa đen của thành ngữ này là: dài dòng hết cây cà lại sang cây kê, không dứt. Cách giải thích này xem ra có cơ sở hơn là vì quả thật nó phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ “con cà con kê” như cách dùng phổ biến hiện nay của mọi người.