Chợ Bến Thành

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Vị trí: Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, tiếp giáp với đường Lê Lợi ở phía nam, đường Phan Bội Châu ở phía đông, Phan Chu Trinh ở phía tây và Lê Thánh Tôn ở phía bắc.
Đặc điểm: Đây là chợ bán lẻ quy mô lớn nhất thành phố với đầy đủ các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp và là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến TP. Hồ Chí Minh.

Ban đầu, chợ được khởi dựng bằng gạch, khung gỗ, mái lợp tranh, nằm cạnh bến sông Bến Thành, gần thành Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) nên có tên gọi là Bến Thành. Tháng 2/1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, chợ bị thiêu hủy hoàn toàn. Năm 1860, người Pháp cho xây lại chợ ở địa điểm cũ. Sau đó, do chợ bị xuống cấp nên Pháp đã cho phá bỏ chợ cũ, chọn địa điểm xây dựng chợ mới để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất. Năm 1912, chợ mới được khởi công xây dựng trên nền đất của một cái ao sình lầy nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là bến xe Sài Gòn). Lễ khánh thành chợ vào năm 1914 được báo chí thời đó gọi là "Tân Vương Hội" do tổ chức lớn (có bắn pháo bông), kéo dài trong 3 ngày với hơn 100.000 người tham dự.

Năm 1985, chợ Bến Thành được trùng tu theo quy mô lớn, trên tổng diện tích hơn 13.000m², mở 4 cửa chính và 12 cửa phụ ra bốn hướng. Phía trên cửa chính phía Nam có tháp đồng hồ 4 mặt.

Chợ chia thành 7 gian lớn ở giữa và 6 gian nhỏ ở hai bên với gần 1.500 quầy hàng. Khu vực phía nam bán các mặt hàng vải vóc, thực phẩm khô; khu vực phía bắc bán hoa tươi, trái cây, thực phẩm sống, các món ẩm thực; khu vực phía đông bán các loại mỹ phẩm, bánh kẹo và khu vực phía tây bán giày dép, đồ mỹ nghệ, lưu niệm. Dọc theo hành lang bao quanh chợ còn có những gian hàng bán đủ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm...

Năm 2012, chợ đã được Tạp chí Ẩm thực Food and Wine (Mỹ) bình chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.