Chọi gà không chỉ chơi trong ngày hội mà có mặt bất thường ở sân bãi có hẹn với nhau. Trò chơi này có từ lâu và đã từng làm lắm người đam mê, nên thành ngữ có câu: "Đông như đám chọi gà". Cũng vì vậy, trong “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương từng khuyên răn, nhắc nhở đừng mê gà chọi mà lãng quên luyện rèn quân sự vì "cựa gà sắc không đâm thủng áo giáp giặc"...

ở Hà Nội có nhiều vùng nuôi gà chọi nổi tiếng như Yên Phụ, Quảng Bá, Nghi Tàm, An Phú, Nghĩa Đô, Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến)... Tây Tựu có giống gà “Tông còi”, nhỏ, nhẹ nhưng nhanh nhẹn gan dạ, đánh thắng cả loại gà lớn hơn, nặng hơn. Các hội làng có chọi gà như Đông Dư, Linh Quang.

Gà chọi phải chọn giống gà nòi, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đặc biệt, vỗ hàng năm, rồi mới vần cho gà ghép tập đá, rèn luyện sức dẻo dai. Mỗi con thường có miếng hiểm, đòn mé riêng của mình. Đánh, đỡ, tiến, lui đều có tên gọi.

Chọi phải từng đôi tương đương với nhau về chiều cao và cân nặng. Nếu chênh lệch quá, con mạnh hơn phải dùng vải bọc cựa để giảm sức đánh.

Cho gà chọi ở sân đất hoặc trên bãi cỏ phẳng, có đất chung quanh rộng cho người xem quây vòng tròn. Mỗi trận đấu, nếu đấu giải từ 7 đến 10 “hồ” (hiệp đấu từ 15 đến 20 phút), giữa hai hiệp có “khuya hồ” (là nghỉ từ 3 đến 5 phút). Còn đấu giao hữu, gọi là “lèo” chỉ cần 5 hồ. Lại có thể giao ước đấu đến “kỳ tẩu, kỳ tử” nghĩa là tới khi một con bỏ chạy hoặc chết ngay tại trận.

Nếu chủ gà thấy gà mình núng thế, muốn gà đỡ bị hại có thể xin dừng cuộc đấu, tức là chấp nhận mình thua.