Sách Đại Việt sử lược chép: Rằm tháng Giêng năm Hội Tường đại khách nguyên niên (1110) đời Lý Nhân Tông, lần đầu nhà vua cho tổ chức ở Thăng Long hội đèn Quảng Chiếu. Sự kiện này được tạc vào văn bia chùa Long Đọi năm 1121.

Đèn Quảng Chiếu là thứ đèn cù - còn gọi đèn kéo quân - loại thật lớn. Sau được thu nhỏ lại thành trò vui chơi trong dân gian vào dịp trung thu.

Khung đèn bẻ bằng tre nối vào các cột nứa tạo thành hình vuông, lục lăng hoặc bát giác, dán kín các mặt bằng giấy bản mỏng thật trắng lại dai. Chung quanh trang trí như một tòa lâu đài, có các họa tiết trổ hoa lá bằng giấy màu, giấy trang kim tô điểm.

Bên trong là một trục có cầu, đeo ba hoặc bốn vòng nan tre cách nhau 10 phân, có các sợi dây cố định khoảng cách. Vòng tre được dán các hình cắt những đoàn quân, ngựa, xe... hoặc các tích cổ Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, Thạch Sanh đánh chằn tinh cứu công chúa, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Lê Lợi trả gươm thần, Lã Vọng câu cá... Các vòng quân treo trên cần trục được đặt chính giữa đèn, cân đối, các sợi dây khi đèn quay không rối, trục để lên đĩa dầu cho trơn. Thắp bằng đèn bấc hoặc đốt nến, sức nóng tỏa ra đẩy các vòng quân chạy theo một chiều, in bóng các hình cắt to lên trên mặt các ô đèn, di động chung quanh. ở vùng làm giấy Bưởi có tục thi đèn kéo quân. Có chiếc to bằng cái nia phải quạt lò than hoa mới chạy nổi quân.