Vị trí: 710 Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Đặc điểm: Chùa được xây dựng vào thế kỷ 18, là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Năm 1760, sau khi an cư lạc nghiệp ở vùng Chợ Lớn (Quận 5, Quận 6, Quận 10 và Quận 11, TP. Hồ Chí Minh ngày nay), cộng đồng người Hoa (gốc Quảng Đông) đã góp tiền xây dựng ngôi chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu để tỏ lòng biết ơn bà đã phù hộ cho họ thuận buồm xuôi gió đến vùng đất mới an toàn. Qua nhiều lần trùng tu, chùa hiện có kiến trúc hình chữ Quốc - lối kiến trúc chùa cổ đặc trưng của người Hoa, gồm 3 tòa Tiền điện, Trung điện và Hậu điện.

Tiền điện là nơi đặt ban thờ Phúc Đức Chánh thần (bên phải), Môn Quan Vương Tả (bên trái), 2 bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước. Trong Trung điện đặt bộ lư “Phát lan” đúc năm Quang Tự thứ 12 (1886), hai bên là chiếc kiệu cổ và chiếc thuyền rồng cổ sơn son thếp vàng, chạm hình nhân (biểu tượng của sự may mắn, bình an trên biển). Hậu điện có 3 gian, trong đó gian giữa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Kim Hoa Nương Nương và Long Mẫu Nương Nương. Hai gian phụ đặt các tượng thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài.

Khu vực giữa các tòa nhà là Thiên tỉnh (giếng trời) tạo không gian thoáng đãng, đón nhận ánh sáng tự nhiên. Trên nóc, diềm mái, hiên, vách tường của chùa gắn các tượng, phù điêu bằng gốm nung. Các tượng, phù điêu này được tạo tác dựa theo các điển tích cổ Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc… và được bố trí hài hòa với các hình tượng khác như “tứ linh” (long, lân, quy, phụng), “lưỡng long tranh châu”, “bái tổ vinh quy”…

Cùng với kiến trúc đặc sắc, chùa còn lưu giữ hàng trăm cổ vật được chế tác công phu, tinh xảo như: kiệu sơn son thếp vàng, 9 bia đá, 2 đại hồng chung, 10 bức hoành phi, 23 câu đối, 41 tranh nổi... Ngoài ra, chùa cũng có các pháp khí như: đỉnh trầm, lư trầm, lư hương bằng đá sa thạch... do người Hoa thành kính dâng cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Hàng năm, chùa Bà Thiên Hậu tổ chức long trọng lễ vía Bà từ ngày 22 đến 24/3 âm lịch với các nghi thức truyền thống và hoạt động văn hóa hấp dẫn như: lễ tắm Bà; múa lân, sư, rồng; biểu diễn nhạc dân tộc... Lễ hội thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách thập phương tới chiêm bái, tham dự.

Chùa đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993.