Chùa Bà Ngô nay ở số nhà 128, phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa. Tên chữ Hán là Ngọc Hồ tự. Tương truyền, chùa do một bà họ Ngô xây dựng nên, nhưng cũng có tích kể, người xây chùa là một bà có chồng người nước Ngô (tức Trung Quốc). Hiện nay chưa rõ tích nào đúng.

Chùa Bà Nành, nay mang biển số nhà 154 phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa. Tương truyền là nhà của một bà bán bánh, bán chè đậu nành phúc hậu, hay giúp người nghèo. Khi về già, bà đã bỏ tất cả tiền nong tích góp ra xây ngay trên đất nhà mình một ngôi chùa rồi xuất gia tu hành. Sau khi bà mất, dân làng đắp tượng bà và đặt trên tấm đá mà bà vẫn dùng bán hàng. Tượng và bàn đá đó hiện vẫn còn. Dân gọi đó là chùa Bà Nành. Tên chữ là Tiên Phúc tự.

Chùa Bà Đá, ở số 3 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm. Lịch sử chùa được kể như sau: đời Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Báo Thiên (tức khu vực Nhà thờ Lớn, Hà Nội ngày nay) có một người đào được một pho tượng phật bà bằng đá, bèn dựng một ngôi chùa nhỏ để thờ ngay tại nơi đào được. Sau dân làng thấy linh thiêng mới góp công, góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì. Vì vậy chùa có tên là chùa Bà Đá, tên chữ là Linh Quang tự. Pho tượng đá đã bị mất trong thời Pháp thuộc.

Chùa Bà Già ở làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Chùa có một lai lịch khá cổ. Nguyên Phú Gia, tên nôm là làng Gạ, là nơi các vua đời Trần định cư. Một bộ phận người Chăm được đưa từ phía nam ra, đã dựng một ngôi chùa mà sử Toàn thư đã phiên âm là Đa-da-li. Thái úy Trần Nhật Duật (1254-1330) thường tới đây đàm đạo về Phật giáo với vị sư người Chăm trụ trì. Có thể cái tên Bà Già là từ Đa-da-li mà ra. Nay trong chùa còn bức hoành phi cổ khắc ba chữ Bà Già tự.

Chùa Bà Đanh cũng là một ngôi chùa dành cho người Chăm. Tây Hồ chí ghi là vua Lê Thánh Tông đã cho làm một thiền viện (vừa là chùa vừa là trung tâm nghiên cứu) ở gò Phượng Chủy bên bờ Nam Hồ Tây cho người Chăm hành đạo, gọi là Thiền viện Châu Lâm, Gò Phượng Chủy nay là khu vực trường Chu Văn An, quận Ba Đình. Nhưng dân thì gọi là chùa Bà Đanh. Nay chùa thuộc số nhà 199B phố Thụy Khê, chung với chùa Châu Lâm.

Chùa Bà Móc ở phố Nguyễn Thiếp, số nhà 27. Không rõ lai lịch, chùa cũng không còn cổ vật, trừ tấm bia mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) do Nguyễn Cát Địch làm đốc học ở Quốc Tử Giám soạn nói về việc tu sửa nhà. Như vậy, chùa cũng đã có trước đó ít ra là bảy tám chục năm...

Tác giả: Diệp Hiền