Cháo chua của người K'ho

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Trên cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) có một món ăn mang đậm dấu ấn bản địa vùng nắng nóng và mưa rào. Đó là món cháo chua của người K'ho vốn được làm từ gạo nương ủ từ tháng mười cho đến tháng ba đã lên men, ăn vừa chua vừa ngọt.

Congdongviet net -200330-181054.PNG

Hạt gạo lúa nương có sự kết tinh của nắng, gió và đất đỏ bazan nên mùi thơm đậm đà khác biệt với các thứ gạo đồng bằng. Người ta bỏ thứ "ngọc" trời phú này vào nồi nấu cháo. Mùi hương của cháo gạo mới bốc lên thơm ngát hòa quyện vào khói lam chiều tạo nên một không gian yên lành của núi rừng Tây Nguyên. Khi cháo chín nhừ người ta cho thêm chút muối để tạo độ mặn vừa phải, sau đó bắc khỏi bếp đợi nguội vừa rồi múc cháo đổ vào những trái bầu khô đã được lấy ruột từ trước, nút lại treo lên vách nứa nhà sàn. Cứ để vậy cho đến tháng ba năm sau vào mùa phát nương, mỗi người buổi sáng lên rẫy, ngoài bình nước, mấy con cá khô, vài trái ớt, quả cà không ai quên mang theo quả bầu đựng món cháo chua.

Cháo chua theo quan niệm của người K'ho là món ăn bổ dưỡng. Nó có vị chua xen vị ngọt, có mùi của men rượu. Nó là thứ nước uống giải được cơn khát giữa trưa, chống được cảm nắng, tăng sức đề kháng cơ thể. Chính nó làm cho người dân dẻo dai, chống chịu được nắng, gió và mưa rào của cao nguyên đầy khắc nghiệt.

Cháo chua còn là món ăn truyền thống tín ngưỡng dân gian. Tương truyền món ăn này được thần linh dạy cách làm, giúp người dân chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt. Do đó khi vào tham quan vùng này, nếu bạn được mời món cháo chua, xin đừng từ chối. Hãy thử một lần để biết.