Hàng năm cứ vào tiết thu (khoảng tháng 9-10 dương lịch) khi gió heo may mang theo hơi sương lành lạnh thổi về thì cũng là lúc những bông lúa nếp uốn câu chờ quả chín vì hạt lúa đã căng đầy, sữa lúa đang đông lại, báo hiệu mùa cốm đã về.

Hơn ai hết, người nông dân biết lúc nào thì lúa có thể gặt về làm cốm. Lúa được gặt về, tuốt lấy hạt (gọi là thóc bao tử), rang chín, để nguội rồi đổ vào cối đá dùng chày gỗ giã nhẹ tay nhưng nhịp phải nhanh, đều thì hạt cốm mới xanh. Xong một lượt giã lại xảy bớt trấu, phải giã đủ bảy lượt. Khi xong, cốm được gói trong lá sen giữ cho cốm không bị khô và cốm thấm hương thơm từ sen.

Cốm là món quà rất sang trọng nhưng cũng rất bình dân. Người ta thưởng thức cốm với chuối tiêu trứng cuốc hoặc với quả hồng chín màu hổ phách. Món cốm phải ăn thong thả, nhai kỹ mới cảm nhận hết được vị thơm, dẻo của hương lúa non. Cốm còn là nguyên liệu cho rất nhiều món ăn trong danh mục ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam: cốm xào, bánh cốm, chè cốm...

Cốm ở Việt Nam có lẽ ở đâu cũng có thể làm được, nhưng ngon và có hương vị riêng thì vẫn chỉ có cốm làng Vòng. Làng Vòng cách trung tâm Tp. Hà Nội 5km, làng này đã có nghề làm cốm từ nhiều đời nay, những bí truyền của nghề không nơi nào có được, chỉ khi nào ăn cốm Vòng mới thấy được hương vị riêng của nó.