Cướp cù

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Ở trên vùng đất hai huyện cũng như nhiều vùng thuộc đôi bờ sông Gianh, còn lưu lại nhiều môn thể thao dân tộc, đồng thời cũng là những trò chơi trong ngày tết và các lễ hội, tiêu biểu là môn cướp cù.

Không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng cướp cù thường diễn ra vào sáng mồng 3 tết hàng năm. Sân cù là một đám đất đã nhổ sạch mạ trước mặt đình làng. Chiều dài của sân khoảng 80 mét, chiều rộng khoảng 50 mét. Ở hai phía cuối sân trồng hai cây tre cao to còn để lại vài cành lá lơ thơ, trên ngọn cây tre có buộc một dải vải điều để làm rõ mục tiêu ném cù. Cù thường là quả bưởi. Mục tiêu ném cù là lỗ rọ thường đan bằng tre có đường kính gấp đôi đường kính quả cù.

Trai chơi cù là những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tháo vát. Thông thường mỗi phe chơi có số lượng từ 20 đến 30 mươi chàng trai dũng cảm.

Ngày xưa, cứ mỗi dịp đầu năm, các vị kỳ hào, hương lý tề tựu đông đủ để tế thần linh, cùng mong muốn quả cù góp vui cùng dân làng trong ngày tết, mong muốn dân làng có cuộc sống bình yên và thịnh đạt. Sau phần nghi lễ, hai người cầm lọng hai bên bê ra sân đặt lên mâm cù năm quả có phủ vải điều. Các đối thủ hai đội xếp hàng dọc đối mặt với nhau. Sau loạt đại cổ, tiểu cổ, vị trọng tài cầm một quả cù bước tới khai mạc trận đấu trước sự chuẩn bị sẵn sàng của hai đội. Tiếp đến, cùng với tiếng chiêng khua, tiếng dục rộn ràng, lệnh lung cù được khởi phát. Đấu thủ hai bên thi tài tranh nhau ném quả cù vào rọ. Cuộc chơi tiếp diễn và lặp lại từng đợt cho đến khi hết thời gian thi đấu (thường là một giờ cho hai hiệp chơi).

Người xem đứng chật ních cả bốn phía sân không ngớt reo hò cổ vũ, át cả tiếng chiêng, tiếng trống, mũ nón tung lên nhấp nhô như sóng lượn. Già trẻ gái trai như bị quả cù thu hút, chạy theo hướng quả cù lao đi vun vút như muốn tiếp sức cho đội nhà được thắng cuộc để cùng hưởng một năm tốt lành phát đạt.

Cuối cùng, ban tổ chức tính số lần quả cù lọt rọ của mỗi bên để phân định thắng thua. Bên thắng trận sẽ được một bữa liên hoan no say. Hồi ấy các làng thường tặng cho đội thắng của mình một con lợn béo trên 50 kg. Trò chơi nào chả là trò chơi nhưng điều đáng quý ở môn cướp cù là tinh thần hữu nghị, thân ái diễn ra trong suốt quá trình thi đấu.

Có lẽ đây là một môn thể thao mà quân lính ngày xưa đã sử dụng để rèn luyện. Theo "Phủ biên tạp lục’’ của Lê Quý Đôn thì: ’’Trong một đợt hành chinh vào phía Nam, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân ở tổng An Lai (thuộc xã Xuân Thủy, Lệ Thủy ngày nay), nhà vua cho dựng chùa phật ngồi, có người gọi là phật mọc ở làng Quảng Cư. Tại đây và cồn vật làng Phan Xá, trong quá trình tập luyện, quân lính đã thường xuyên chơi môn cướp cù.