Vào đầu thế kỷ 17, sau khi Nguyễn Hoàng từ trần năm 1613, con là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, lúc đó 51 tuổi (tuổi ta), lên kế vị và cầm quyền ở Đàng Trong từ 1613 đến 1635. Theo di mệnh của Nguyễn Hoàng, Sãi Vương quyết xây dựng Đàng Trong thật vững mạnh để chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Do đó, ông giao hảo với các nước phương nam để củng cố vị thế của ông.

Phía nam nước ta là Chiêm Thành và Chân Lạp (tức Cambodia ngày nay). Lúc đó, vua Chân Lạp mới lên ngôi là Chey Chetta (trị vì 1618-1628). Ông nầy muốn kết thân với chúa Nguyễn để làm thế đối trọng với vua Xiêm La (Siam tức Thái Lan ngày nay), nên đã cầu hôn với con gái Sãi Vương.

Không có sử sách nào ghi lại diễn tiến đưa đến cuộc hôn nhân nầy. Có thể vì ngày trước, quan niệm người Chân Lạp là man di, nên các sách sử nhà Nguyễn tránh không ghi lại việc nầy. Bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, khi ghi chép về các con gái của Sãi Vương, đến mục „Ngọc Vạn“, đã ghi rằng: „Khuyết truyện“ tức thiếu truyện, nghĩa là không có tiểu sử. Gần đây, bộ gia phả mới ấn hành năm 1995 của gia đình chúa Nguyễn cho biết là vào năm 1620 (canh thân) Sãi Vương gả người con gái thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II.(5)

Ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Chân Lạp xin vua Chey-Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt dần dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Chồng công chúa Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II từ trần năm 1628. Từ đó triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra cuộc tranh chấp ngôi báu giữa các hoàng thân. Năm 1658 (mậu tuất) hai hoàng thân So và Ang Tan nổi lên đánh vua Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc Ông Chân (trị vì 1642-1659), nhưng thất bại, xin nhờ thái hậu Ngọc Vạn giúp đỡ. Thái hậu Ngọc Vạn chỉ cách cho hai người nầy cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, cháu gọi thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, liền cử phó tướng Tôn Thất Yến (hay Nguyễn Phúc Yến), đang đóng ở Phú Yên (dinh Trấn Biên), đem 3.000 quân qua giúp, bắt được Nặc Ông Chân ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay), đưa về giam ở Quảng Bình vì lúc đó nhà chúa đang hành quân ở Quảng Bình. Tại đây, Nặc Ông Chân từ trần năm 1659.(6)

Chúa Nguyễn phong So lên làm vua Chân Lạp tức Batom Reachea (trị vì 1660-1672). Từ đó, nước ta càng ngày càng can thiệp vào công việc của Chân Lạp và đưa người thâm nhập nước nầy, dần dần tiến đến sinh sống tận mũi Cà Mau như ngày nay.

Như thế, đã hai lần bà Ngọc Vạn đã dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam. Lần thứ nhất sau cuộc hôn nhân năm 1620 và lần thứ nhì trong cuộc tranh chấp nội bộ vương quyền Chân Lạp năm 1658.