Có nếp có tẻ

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Trong nhà có cả con trai con gái thì mới tốt, mới đầy đủ.

1. Ý nghĩa thành ngữ

Người dân quê Việt nam hay dùng những hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống và đôi khi rất tầm thường để nói lên cái gì xa xôi, trừu tượng, có khi rất thâm thúy. Những kinh nghiệm và suy tư này đã được đan dệt trong những câu ca dao tục ngữ, trong đó có câu “Có nếp có tẻ”.

Ý nghĩa của thành ngữ này là trong nhà có cả con trai con gái thì mới tốt, mới đầy đủ. Mặc dầu người ta có khuynh hướng “trọng nam khinh nữ”, thậm chí người ta còn chủ trương “Nhất nam việt hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa là trong chỉ một con trai thôi cũng là có con, còn 10 đứa con gái cũng kể là không có con, bởi vì người ta có quan niệm là :

Con gái là con người ta Con dâu mới thực mẹ cha mua về. Tuy thế, ngày nay trong gia đình ai cũng muốn “có nếp có tẻ” nghĩa là phải có con trai con gái thì mới tốt, mới hài hòa.

2. Giải thích câu thành ngữ

Ở thành phố người ta ít để ý đến vấn đề “nếp hay tẻ”, nhưng ở thôn quê thì nếp và tẻ có giá trị khác nhau, phải biết lựa chọn.

Trong đời sống thực tế “nếp” được coi trọng hơn “tẻ”. Cơm tẻ là món ăn thường ngày, còn nếp thì đôi khi, vào những dịp nào mới có. Về mặt giá trị, nếp quí hơn tẻ. Đem so sánh nếp với tẻ thì chắc chắn có sự đánh giá trọng khinh, hơn kém.

Gạo nếp thường để nấu xôi, làm các thứ bánh như bánh chưng, bánh tét, bánh rán, bánh dầy, bánh trôi nước, bánh ít các loại. Gạo nếp cũng được dùng để nấu rượu : rượu nếp mạnh và ngon hơn rượu tẻ, gía cả lúc này là 35.000 đồng/lít.

Còn gạo tẻ thì dùng nấu cơm thường ngày, làm bánh như bánh bèo, bánh cuốn, bánh giò, bánh đúc… Gạo tẻ cũng được dùng nấu rượu, kém rượu nếp nhưng ngon hơn rượu bắp, giá mỗi lít là 18.000 đồng.

Tuy có sự phân biệt về giá trị, nhưng trên quan điểm thực tiễn của nhân dân, sự đánh giá lại không chỉ có một chiều đơn giản như vậy. Gạo tẻ là gạo ăn thường ngày, là nhu cầu thường xuyên không thể thiếu. Gọi là tẻ đấy, là cái thường ngày đấy, nhưng ai dám nghĩ là tầm thường, nhưng rất quan trọng . Người ta thường nói :

Cơm tẻ là mẹ ruột Hay : No cơm tẻ vỏ vẻ mọi sự. Cơm tẻ bữa nào cũng ăn nhưng chưa ai chán, không biết chán; trong khi đó người ta có thể chán ngấy đối với cơm nếp.

Cho nên, dù cứ cho rằng trong thực tế nếp là hơn tẻ đi thì trong thành ngữ này điều đó cũng không được nói tới. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến sự cần thiết của cả hai, không nên thiếu một bên nào.

Một căn cứ rất có ý nghĩa để hiểu như vậy là trật tự của các yếu tố trong thành ngữ. Không ai nói “Có tẻ có nếp”, mà chỉ nói “Có nếp có tẻ”. Trật tự đó rất tế nhị, vì nó nói lên rằng : dù là có nếp rồi, nghĩa là có được thứ quý hơn rồi – so với tẻ – thì chưa được coi là đủ, vẫn cần sự có mặt của tẻ nữa.

Ở thành ngữ này, cái từ nếp, tẻ chỉ có tác dụng biểu thị quan hệ khác biệt và cùng hiện diện, chứ không biểu thị quan hệ so sánh. Cũng tức là tuy có dùng nếp – tẻ thật đấy, nhưng không phải để phân biệt đối xử “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Muốn được như vậy, thành ngữ đã khéo sử dụng một trật tự có dụng ý (Hoàng văn Hành, Kể chuyện, Thành ngữ, Tục ngữ, tr 159).