Cáo Mượn Oai Hùm

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Người VN ta thường nghe thành ngữ "Cáo mượn oai hùm" hoặc "Cáo đội lốt hùm", là do thành ngữ "Hồ giả hổ uy" của Tàu.

Thời Chiến quốc, vua nước Sở là Hoàn Vương lấy làm lạ rằng tại sao nhân dân miền Bắc Trung Hoa lại sợ hãi một vị đại tướng tên Chiêu Hề Tuất như vậy. Sở Hoàn Vương bèn hỏi các đại thần trong triều xem lý do là tại sao.

Trong số đại thần, có một người tên là Giang Ất đã mượn một câu chuyện ngụ ngôn để giải thích cho Sở Hoàn Vương như sau:

- Tại một khu rừng kia, một con hổ bắt được một con cáo. Con cáo tức thì làm bộ dọa nạt con hổ, nói rằng nó là sứ giả do trời sai xuống để thống trị muôn loài thú, nếu hổ xâm phạm đến nó tất là sẽ bị trời trừng phạt. Nếu hổ không tin, hãy đi theo nó, để xem muôn loài thú sợ hãi nó như thế nào.

Con hổ nghe lời nói của con cáo tinh khôn, thấy cũng có lý, bèn bằng lòng theo sau để xem có đúng như lời cáo nói không.

Quả nhiên, suốt trên đường đi, muôn loài thú thấy bóng dáng con cáo tới đâu, cũng đều hoảng sợ chạy hết. Con hổ đâu biết là muôn loài thú bỏ chạy, chính là vì sợ hổ, đâu phải vì sợ cáo.


Nay binh quyền của chúa công được trao trả cho Chiêu Hề Tuất, nhân dân phương Bắc sợ hãi là sợ binh lực của chúa công chứ đâu phải sợ Chiêu Hề Tuất.

Sự tích trên đây chép trong Quốc sách. Ý Giang Ất muốn so sánh con cáo trong truyện với Đại tướng Chiêu Hề Tuất, so sánh nhân dân phương Bắc với muôn loài, và so sánh con hổ với Sở Hoàn Vương, để giải thích rằng, sở dĩ nhân dân phương Bắc sợ hãi Chiêu Hề Tuất chỉ vì Chiêu Hề Tuất có được binh quyền do Sở Hoàn Vương trao cho mà thôi. Như vậy nhân dân phương Bắc sợ là sợ Sở Hoàn Vương, chứ không phải là sợ Chiêu Hề Tuất, cũng như muôn loài thú sợ là sợ con hổ chứ không phải sợ con cáo.

Từ sự tích trên, người đời sau đã rút ra thành ngữ "Hồ giả hổ uy" (con cáo giả cái oai con cọp) để nói về người dựa vào quyền thế địa vị của người khác mà lên mặt, hoặc bắt nạt người cô thế .