Ở vùng Hải Thanh (Thanh Hóa) có tục lệ: Khi cúng giỗ hoặc Tết nhất, bao giờ trong mâm cơm cúng cũng phải có cá biển. Dân ở đây làm nghề đánh cá nên có quan niệm sợ người đã khuất đói cơm lạt (nhạt) cá. Vì thế món cá được coi là món chính trong cúng bái. Ngay cả ngày Tết, dù các thức dồi dào nhưng trên bàn thờ (vùng này gọi bàn thờ là giường thờ) cũng phải có đĩa cá. Những năm vào ngày giáp Tết mà biển động, cá hiếm hơi, nhà nào cũng tìm mọi cách để kiếm cá về làm cơm cúng. Có lần, ở nhà :một người ngư dân đã sắp cơm cúng chiều ba mươi Tết, nhưng người đi đánh cá biển vẫn chưa về. Chưa có cá thì chưa cúng được. Bà vợ bồn chồn, chạy ra chợ tìm mua cá. Chợ hết cá. Bà buồn bã quay về nhà. Bước vào nhà, nhìn vào mâm cỗ, thấy có hai đĩa cá mối khoanh tròn, bà mừng rỡ, mắt sáng lên sung sướng. Bà hỏi cô con dâu: "Cá ở đâu thế con?" Vốn là người dí dỏm, cô con dâu trả lời: "Biết nhà ta chưa có cá, cá từ ngoài biển vào rồi tự nhảy lên giường thờ đấy mẹ ạ". Thì ra, ông lão ngư dân ở lại đánh cá, không về ăn Tết, đã gửi cá qua thuyền khác cho nhà đón Tết. Thành ngữ "Cá nhảy giường thờ" ra đời như thế. Nó hàm chỉ những sản vật quý, hiếm có được lúc hiếm hoi. Nó còn có nghĩa là một thứ hàng đắt, khó mua. Vì lúc cần mà chưa có, dân bán cá (hoặc các sản vật khác) có thể nâng giá lên. Người mua, vì cần kíp Phải nhắm mắt mua. Trong sử dụng, thành ngữ còn bảo lưu nghĩa nói lên tục lệ cúng cơm cá của người vùng biển.