Cá bống trứng

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Cuối tháng 6 âm lịch trở đi, nước sông Hậu dần nhuốm đỏ. Đứng trên cầu Cái Răng (Cần Thơ) nhìn xuống, một dải nước đỏ như tấm lụa đào giữa hai làn nước bạc lấp lánh trong nắng. Phải thêm nhiều ngày, nhiều tuần nữa, mưa già hơn, con nước đỏ mới nhuộm hết cả mặt sông, mới tiến sâu vào các kênh, rạch xa xôi. Bấy giờ, người ta gọi một cách chính danh: mùa nước son, mùa cá bống trứng. Những con cá nhỏ bằng ngón tay út, bụng căng cứng trứng vàng hượm, nổi rõ dưới làn da nâu nhạt, mỏng tang. Chỉ trông đã thấy "đã" mắt rồi !

Người đi xúc cá bống trứng chỉ đợi con nước son đổ về và thường xúc về đêm. Chỉ cần một ngọn đèn chong, một chiếc xuồng tam bản và một cái rổ xúc là người ta "khoèo" dầm tách bến, tiến về phía mấy giề lục bình trôi. Và, mặt rổ cắt xéo góc 45 độ so với mặt nước, phía dưới bộ rễ lục bình. Vục sâu rổ vào, lật ngang, nhanh tay giở lên khỏi mặt nước. Gạt lục bình ra. Những con cá bống trứng lẫn tép bạc nhảy loi nhoi trong lòng rổ. Đã đời ! Cứ thế mà xúc.

Về nhà. Đổ cá ra, hớt mang, đuôi, làm sạch vảy bằng cách chà mớ cá trong chiếc rổ tre. Rửa sạch, cho vào ơ, kho khô, chế chút mỡ, rắc tiêu xay. Nồi cháo trắng chín nhừ trên bếp, sẵn tay cho một ít tép bạc bóc vỏ vào nồi. Cháo trắng tép bạc dùng nóng với cá bống trứng kho tiêu mới thấm lựng cái hương vị mặn mà của miền đất phương Nam. Bao nhiêu sức lực hao phí cho cái lạnh của đêm đi xúc cá nhanh chóng biến mất. Cơn buồn ngủ ập đến. Đánh một giấc no.