Bún mắm là một trong số các món ăn đặc sản của miền tây Nam bộ Việt Nam. Bún mắm có nguồn gốc từ Campuchia, được nấu từ mắm bù hốc. Khi sang đến Việt Nam thường được nấu bằng mắm cá linh hay cá sặc, đây là các loại cá có nhiều tại miền Tây, đặc biệt là các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Trước đây, bún mắm là một món ăn dân dã và được chế biến giản dị, nó thường được dùng cho những bữa ăn nhanh. Con mắm được nấu rã ra, sau đó lọc lấy phần nước trong, cho thêm một ít đường, hành sả và dùng chung với bún. Về sau để tăng hương vị và độ phong phú cho bún mắm, người ta cho thêm miếng cá, tôm, mực và heo quay.

Congdongviet net -200329-211131.PNG

Nét đặc trưng của bún mắm là nước dùng. Nước dùng thường được làm từ mắm cá linh hay cá sặc và tùy theo mỗi người mà có sự nêm nếm khác nhau để món bún có mùi thơm đậm đà. Bún mắm thường được dùng với rau muống chẻ, cọng bông súng, rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, giá và rau diếp cá (dấp cá).

Khoảng những năm 1970, bún mắm được đưa lên Sài Gòn và được nhiều người yêu thích do mang đầy hương vị của đồng nội, miền quê với cách nêm ngon đậm đà. Mặc dù nguồn gốc từ Campuchia, nhưng đến nay bún mắm đã trở thành một đặc sản của miền nam Việt Nam do đã được kết hợp nhiều đặc sản đặc trưng riêng của miền nam Việt Nam.