Bánh đậu xanh là một loại thức ăn ngọt làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu thực vật hay mỡ động vật, thường là mỡ lợn. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi. Bánh thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh, khi đó sẽ tạo cảm giác thư thái. Địa phương làm bánh đậu xanh nổi tiếng là Hải Dương.

Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh từ lâu đã được đóng theo một cách ổn định riêng: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1 cm) nặng 45 gam, gần đây đã có những cải tiến, nhưng quy cách của khẩu không thay đổi.

Nhắc đến Hải Dương, người ta không thể không nghĩ đến bánh đậu xanh. Bánh đậu xanh Hải Dương ra đời vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay, thành phố Hải Dương có trên 50 nhà hàng bánh đậu xanh, trong đó có những nhãn hiệu nổi tiếng như: Rồng vàng Hoàng Gia, Bảo Hiên, Nguyên Hương, Bảo Long, Bá Tiến, Hòa An, Minh Ngọc, Quê Hương... nằm dọc các phố lớn trong thành phố và nhất là dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Bánh đậu xanh chính là món quà ý nghĩa nhất cho những người con xa quê và những vị khách tới thăm thành phố.

Thành phần của bánh đến nay chưa có gì thay đổi, nhưng công cụ sản xuất, vệ sinh công nghiệp, bao nhãn và phương pháp quảng cáo đã đạt trình độ cao. Nếu bánh làm tốt, có thể sử dụng được trên 100 ngày. Có loại bánh như của Rồng Vàng Hoàng Gia, hạn sử dụng lên đến 210 ngày.

Ngày nay, bánh đậu xanh đã thay đổi theo xu hướng thời đại, có những vị bánh mới như: bánh đậu trà xanh, bánh đậu sầu riêng, bánh đậu khoai môn, bánh đậu hạt sen, bánh đậu dừa xiêm,...

Congdongviet net -200329-233851.PNG