Sống ở vùng sông nước, đua thuyền đã trở thành truyền thống trong lễ hội từ lâu đời ở nước ta. Sử cũ từng ghi vua Lê Đại Hành là người đầu tiên tổ chức đua thuyền để rèn luyện thủy quân, đồng thời gắn liền với tín ngưỡng cầu nước cho mùa màng tốt tươi.

Thời Lý đã cho xây dựng cung điện ở bờ sông Hồng như Hàm Quang (1011), Linh Quang (1058) để vua, quan ngồi xem hội đua thuyền. Các triều đại về sau vẫn giữ nếp, dần dần đưa vào hội làng, trở thành sinh hoạt văn hóa cổ truyền của cư dân hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ... và ở cả các làng bên hồ Tây.

Đua thuyền còn gọi là bơi chải - chải cũng là tên gọi các thuyền đua.

Hà Nội có hàng chục làng có tục bơi chải như Yên Duyên, Vĩnh Tuy (Thanh Trì), Bồ Đề, Thổ Khối (Gia Lâm), Vĩnh Thanh, Võng La, Tầm Xá (Đông Anh), Yên Phụ, Nghi Tàm (Tây Hồ), Thượng Cát, Thụy Phương, Tây Tựu, Phú Diễn (Từ Liêm). Nổi bật hơn cả về quy mô hoành tráng là hội bơi chải làng Đăm (Tây Tựu).

Đua thuyền - bơi chải ở mỗi làng có quy cách và thể lệ khác nhau. Kích thước thuyền có dài, có ngắn, nên số tay bơi (người chèo) cũng nhiều ít thay đổi.

Thông thường thuyền thoi đóng bằng gỗ, đầu chạm hình rồng, hình hạc, đuôi tôm. Làng chài Võng La lại đua thuyền độc mộc, làm bằng cây gỗ khoét rỗng lòng. Nghi Tàm đua thuyền nan. Tùy thuyền to nhỏ mà số tay bơi được quy định: Tây Tựu 24 người, Thụy Phương 8, Bồ Đề 12, Thượng Cát 16, Yên Duyên 18, Nghi Tàm thuyền nan chỉ có 2 đến 4 tay bơi. Trên mỗi thuyền to lại còn có người lái, người tát nước, ông bay, ông lệnh, ông mõ, ông cờ... để phối hợp phục vụ và chỉ huy thuyền đua.

Số đội bơi tương ứng với số thuyền, thường mỗi giáp cử ra một đội. Có hội chỉ bơi một lần, một ngày, lại có hội hai, ba ngày.

Hội bơi chải Yên Duyên ngày đầu bơi thờ, ngày thứ hai bơi bò - còn gọi bơi dạo, đến ngày thứ ba mới là bơi giải. Mỗi ngày bơi ba lèo, mỗi lèo ba vòng trên đoạn sông dài khoảng 1 cây số. Hết một lèo lại phát giải. Già làng cầm trịch ngồi trên chòi trống, kết hoa lá, tám mái dựng trên bờ đê áp sông.

Bơi chải của làng chài Võng La bằng thuyền độc mộc với 6 tay bơi và một lái.

Hội làng Bồ Đề có 8 chải, đua từ đền Ghềnh đến thôn Lâm Du, cờ ngũ sắc cắm dọc bờ sông Hồng. Các tay bơi vừa chèo vừa hò cho ăn nhịp lúc thì “ớ khoan khoan cho đều, ớ khoan!” lúc thì ông lệnh hô: “Thẳng cánh ra!”, tất cả hò “dô huầy!”, - “Thấp vai xuống!” - “Dô huầy!”, “Ngẩng cổ lên! - Dô huầy!”. Họ còn ghìm cản thuyền nhau. Chải nào bị đắm, họ hò nhau lật lại thuyền, tát nước, bơi tiếp.

Làng Vĩnh Tuy xây một nghè bơi ở ngoài đê, có ngòi nước lượn quanh; năm nước đầy thuyền đua từ nghè ra sông vòng lại nghè khoảng 4 cây số; năm nước cạn, đua thuyền vượt sang sông Hồng rồi quay về nghè bơi làm đích. Trước khi bơi còn làm lễ tế vua Hà và thủy quan tại nghè.

Nghi Tàm, Yên Phụ đua thuyền ở Hồ Tây. Nghi Tàm với 4 thuyền nan của hai giáp Thượng, Hạ. Mỗi thuyền hai trai đô đóng khố đỏ, bơi ba vòng hồ, cuối đường đua cắm ba lá cờ màu tương ứng với giải nhất, nhì, ba, thuyền nào cướp được cờ gì quay vào bờ nhận giải ấy. Yên Phụ thuyền 12 tay bơi, đường đua từ sau đình ra chùa Trấn Quốc. Cũng có năm lại bơi sang chỗ mỏ Phượng (nay ở trong khu trường Chu Văn An).

Bơi chải Thượng Cát có 6 đội bơi, 3 đội nam và 3 đội nữ, mỗi đội 16 người. Đua theo giới, lần lượt cứ một đội nam lại đến một đội nữ, bơi vòng trong đầm ba lượt.

Làng Vĩnh Thanh - còn có tên nôm là làng Ruộng - đua ở hồ làng. 4 giáp, 4 thuyền: hai chạm đầu rồng, hai thuyền đầu hạc. 12 tay bơi là nữ cả, nhưng lại có 5 ông gõ mõ, phất cờ, hô lệnh, lái, tát nước... cho các cô. Gái bơi đều chưa chồng, áo cánh màu chàm, quần đen buộc túm, chít khăn mỏ quạ, yếm đào, thắt lưng hoa hiên.

Làng Đăm (Tây Tựu) có hội bơi chải từ thế kỷ XV. Nhà thủy đình xây gạch lợp ngói soi bóng xuống khúc sông Nhuệ làm đường bơi. Ban chấm thi ngồi quan sát tại đây.

Trai bơi ngồi hai bên mạn chải, tay cầm chèo. Người chấp lệnh và chèo lái mặc áo thụng xanh, quấn khăn và thắt lưng bằng lụa màu. Sáu thuyền đua dàn hàng chữ nhất trước điểm xuất phát. Lệnh pháo vừa nổ, các mái chèo đồng loạt bổ xuống nước đưa chải vun vút trên sông theo tiếng hô, nhịp phách gõ của ông lệnh. Trên sông, cắm những cờ tiêu đuôi nheo màu đỏ để các thuyền tới đó vòng lại.

Từ xưa đã có câu ca

"Làng Đăm có hội bơi thuyền
Có lò đánh vật có miền trồng rau"

Bơi Đăm là hội đua thuyền sôi nổi, hào hứng thu hút hàng vạn du khách về xem vào ngày lễ hội hằng năm - mồng 10 tháng Ba âm.

Ngoài trò đua chải, trong hội Chèm còn có tục rước nước bằng thuyền, đoàn thuyền từ đình bơi ngược lên Liên Mạc, lúc quay xoay tròn trên sông ba vòng, miêu tả lại cuộc giao tranh thời xưa với thủy quái.

ở hội Thượng Cát, diễn tích hai nữ tướng Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương mặc áo gấm vàng, đi hài, cắp gươm, đứng uy nghi trên thuyền với các tay chèo đều là nữ, sắc phục lộng lẫy như thời dấy quân theo Hai Bà Trưng chống giặc Hán.