Tào Tháo đời Tam Quốc (220-264) có xây một cái đài bên sông Chương Hà tỉnh Hà Nam, đặt tên là Đồng Tước. Đài này cực kỳ tráng lệ. Tháo sai người trang hoàng tô điểm rất lộng lẫy, rồi tuyển gái đẹp khắp vùng đem chứa vào trong.

Tào Tháo có đứa con nhỏ tên Tào Thực, tự Tử Kiến có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Đồng Tước, Tháo sai con làm bài phú "Đồng Tước đài" để ca tụng công nghiệp của Tào. Bài phú rất đặc sắc:

Bản dịch của Tử Vi Lang:
Noi đức sáng thánh quân rực rỡ
Lên lầu đài hớn hở lòng xuân.
Xem công Thái Thú chăn dân,
Đức cao vời đã thấm nhuần nơi nơi.
Dựng lên giữa lừng trời xanh ngắt,
Đài nguy nga bát ngát không trung.
Mỹ quan nào kém non Bồng,
Gác cao, tây vực nhìn thông nẻo đoài.
Dòng Chương Thủy chảy dài trong suốt
Tưới nhuần vườn cây tốt quả tươi...
Hai bên tả hữu hai đài:
Ngọc Long, Kim Phượng sáng ngời ánh dương.
Bắc hai cầu tây đông nối lại
Như cầu vồng sáng chói không gian.
Ngồi cao nhìn xuống cõi trần,
Đế đô mây ráng xoay vần nổi trôi...
Mừng rỡ thấy anh tài qui tụ,
Ứng mộng hùng chuyện cũ Văn Vương.
Gió xuân đầm ấm đưa hương,
Muôn chim đua hót du dương hài hòa.
Cao đẹp tựa trời mây muôn thủa,
Phúc nhà may chất chứa dài lâu.
Khắp cùng vũ trụ nhiệm mầu,
Đề cao nhân hóa, kính chầu thượng kinh.
Noi Tề, Tấn nghĩ mình hưng thịnh,
Phò thánh minh cùng sánh công laọ
Xinh tươi bền vững biết bao!
Ơn sâu nước ngấm, đức cao xa đồn.
Phò tá đấng Chí Tôn gìn giữ
Xây thái bình thịnh trị bốn phương.
Phép trời khuôn đất đo lường.
Ánh trăng cùng với ánh dương điều hòa.
Tôn quý ấy truyền xa mãi mãi,
Thọ vô cùng, thọ với chúa Xuân!
Ngự long kỳ buổi an nhàn,
Hoặc khi vội vã, xe loan trở về.
Ơn giáo hóa tràn trề bốn biển
Vui mầng thay vật kiện dân khang!
Đài nầy đứng mãi hiên ngang,
Điểm tô kim cổ, son vàng thắm tươi..."

Nguyên văn:

Tòng minh hậu dĩ hì du hề,
Đăng tầng đài, dĩ ngu tình.
Kiến Thái Thủ chi quảng khai hề.
Quan thánh đức chi sở dinh
Kiến cao môn chi tha nga hề,
Phù song Khuyết hồ Thái thanh.
Lập trung thiên chi hoa quan hề,
Liên phi các hồ Tây vực.
Lâm Chương Thủy chi trường lưu hề,
Vọng viên quả chi tư vinh.
Lập song đài ư tả hữu hề,
Hữu Ngọc Long dữ Kim Phượng
Liên nhị kiều vu đông tây hề,
Nhược trường không chi đế đống.
Phủ hoàng đô chi hoành lệ hề,
Khám vân hà chi phù động.
Hán quần tài chi lai tụy hề.
Hiệp phi hùng chi cát mộng.
Ngưỡng xuân phong chi hòa mục hề.
Thính bách điểu chi bi minh.
Vân thiên tuyên kỳ ký lập hề,
Gia nguyện đắc hồ song sinh.
Dương nhân hóa vu vũ trụ hề,
Tận túc cung vu thượng kinh.
Duy hoàn, văn chi duy thịnh hề,
Khởi túc phương hồ thánh minh.
Hưu hỹ! mỹ hỹ!
Huệ trạch viễn dương.
Dực tá ngã hoàng gia hề.
Ninh bỉ tứ phương.
Đồng thiên địa chi qui lượng hề.
Tề nhật nguyệt chi huy quang.
Vĩnh quý tôn nhi vô cực hề.
Đẳng quân thọ ư đông hoàng.
Ngự long kỳ dĩ ngao du hề
Hồi loan giá nhi chu chương.
Tư hóa cập hồ tứ hải hề,
Gia vật phụ nhi dân khang.
Nguyện tư đài chi vĩnh cô hề,
Lạc chung cổ nhi vị hương!

Bài phú "Đồng Tước đài" được truyền tụng. Tào Thực đáng là đệ nhất thi nhân trong hai đời Tần, Hán và đã mở đường cho lối thơ diễm lệ đời Lục Triều.
Trong một dịp du thuyền trên sông Trường Giang, rượu ngà say, Tháo cao hứng nói:

- Ta năm nay đã 54 tuổi. Nếu chiếm xong Giang Nam, ta cũng được chút vui mừng riêng. Số là trước kia ta có quen thân cụ Kiều công, được biết cụ có 2 cô con gái, đều là trang quốc sắc thiên hương. Không ngờ về sau Tôn Sách và Chu Du cưới mất! Nay ta đã xây đài Đồng Tước trên sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ đem hai nàng họ Kiều về đấy ở, để vui thú năm tháng về già. Thế là ta mãn nguyện!

Để khích Chu Du là đô đốc Đông Ngô đánh Tào Tháo, Khổng Minh sửa đổi câu thứ 7 của bài phú "Đồng Tước đài" của Tào Thực. Nguyên văn là:

Liên nhị kiều vu đông tây hề,
Nhược trường không chi đế đống.
Nghĩa là:
Bắc hai cầu tây đông nối lại
Như cầu vồng sáng chói không gian.

Đó là nói: hai bên đài Đồng Tước còn có hai đài phụ là Ngọc Long, Kim Phượng, và có hai cái cầu bắc nối vào đài giữa như hai cầu vồng trên lưng trời. Tào Thực dùng hai chữ "đế đống" (hay "chuế đống") là có ý so sánh đài Đồng Tước với cung A Phòng nhà Tần. Trong bài "A Phòng Cung Phú" của Đỗ Mục đời nhà Đường, có câu: "Trường kiều ngọa ba, vị vân hà long? Phức đạo hành không: bất tễ hà hồng?" (Cầu dài vắt ngang sông: chưa có mây sao có rồng? Hai đường bắc trên không:
không phải mưa tạnh, sao có cầu vồng?)
Nhưng Khổng Minh lại đổi ra:
Lãm nhị Kiều ư đông nam hề,
Lạc triêu tịch chi dữ cộng.

Nghĩa là:

Tìm hai Kiều nam phương về sống,
Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân ...

Khổng Minh đem chữ "kiều" (cầu) đổi ra chữ "Kiều" (nàng họ Kiều), đổi chữ "Tây" ra chữ "Nam", đổi chữ "liên" ra chữ "lãm"; còn câu sau thì đổi hoàn toàn khác hẳn, để cố ý trỏ vào hai nàng Kiều.

Đem chữ "kiều" đổi ra chữ "Kiều", Khổng Minh chủ ý lừa và chọc tức Chu Dụ

Sau Đông Ngô liên minh cùng Tây Thục, nhờ Khổng Minh cầu đông phong, nên Chu Du dùng hỏa công đốt phá binh Tào tại trận Xích Bích. Tháo thua to, mộng chiếm đất Giang Nam để đoạt lấy hai nàng Kiều đẹp hoàn toàn tan vỡ.

Thi sĩ Đỗ Mục cũng có bài "Xích Bích Hoài Cổ" rằng:

Kích gãy, cát chìm, sắt chửa tiêu,
Rửa mài, nhận thấy dấu tiền triều.
Gió đông chẳng giúp chàng Chu thắng,
Đồng Tước đài xuân nhốt hai Kiều.

Nguyên văn:

Chiết kích trầm sa, thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.
Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.

Trong "Đoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du có câu: "Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều là do điển tích đó.