Ở Ninh Thuận, cộng đồng Chăm Bàlamôn có tục đẽo sọ người chết thành những đồng xu nhỏ để nhập vào đá, gửi ước nguyện sẽ được vĩnh hằng và bất tử.

Tục cũng quy định người chết dưới 15 tuổi chỉ chôn, không được thiêu. Với người từ 15 tuổi trở lên, người Chăm chia thành hai trường hợp: Chết bình thường (vì bệnh, vì già cả) sẽ được thiêu tươi; và chết không bình thường (vì tai nạn xe cộ, vì thú dữ, chết vào ngày hết trăng, mùng một) sẽ được thiêu khô.

Khoảng nửa giờ sau khi lửa thiêu sạch thi hài, thầy cúng cùng với người con cả của người chết lấy rựa chặt đầu thi hài và móc hộp sọ. Những người khéo tay sẽ đem hộp sọ gọt giũa thành chín mảnh xương đối với nữ, bảy mảnh đối với nam. Hình thù mỗi mảnh nhỏ bằng đồng xu, được cất giữ trong một cái hộp để thờ tự. Sau khoảng thời gian 5 - 10 năm, hoặc chờ đủ 15 - 20 năm sẽ đem làm lễ nhập Kut bên tộc họ mẹ.

Congdongviet net -200402-222504.PNG

Kut là nơi thờ cúng chung của dòng họ theo chế độ mẫu hệ. Mỗi người Chăm từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều mang tâm niệm phải trở về yên nghỉ bên mảnh đất của dòng họ mẹ, được làm lễ nhập Kut và hóa kiếp với tổ tiên dòng họ.

Trải qua hàng trăm năm, người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận vẫn giữ tục lệ cổ xưa, coi đó là cách thể hiện sự kính trọng đối với người đã khuất. Để các nghi thức trở nên nhẹ nhàng hơn, hiện nay, mỗi hộp sọ người chết chỉ chọn lấy một mảnh xương trán đẽo thành một đồng xu duy nhất, còn tất cả những phần xương cốt khác đều được đem hỏa thiêu. Họ tin rằng ngọn lửa thiêu chỉ làm cháy phần xác, phần hồn vẫn còn, nếu được nhập Kut sẽ trở nên bất tử.