Đã từ lâu trong dân gian xứ Kinh Bắc truyền tụng nhau truyền thuyết về các “Bà Chúa”, Chùa làng Thượng Đồng (Vạn An, TP Bắc Ninh). “Vua Bà” vùng ven cửa sông Ngũ Huyện Khê. Vùng đất này gồm một vệt làng cổ thuộc địa bàn hai xã Vạn An, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh); trong đó có làng Thượng Đồng nổi tiếng với truyền thuyết bà “Chúa Lẫm”.

Làng Thượng Đồng có tên nôm là làng Lẫm thuộc xã Vạn An vốn là một làng cổ nằm trên quả núi thấp cạnh cửa sông Ngũ Huyện Khê. Quanh làng còn những dộc nước, ao, hồ, đầm cổ, những xứ đồng với tên cổ như: đồng Thóc, đồng Gạo, đồng Quan, đồng Phát... càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của truyền thuyết bà Chúa Lẫm.

 Thượng Đồng có quần thể di tích đình, chùa cổ kính: Đình Thượng Đồng vốn được xây dựng từ lâu đời với quy mô lớn, chạm khắc đẹp nhưng bị phá trong tiêu thổ kháng chiến chống Pháp; những năm gần đây dân làng khôi phục lại theo kiểu thức truyền thống. Đó là tòa đại đình bốn mái đao cong duyên dáng và còn bảo lưu được nguyên thần tích, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối cho biết về người được thờ là “Cao Sơn đại vương” (Thần Núi) và “Đức Vua Bà” (dân gian gọi là bà Chúa Lẫm). Còn chùa Thượng Đồng có tên chữ là “Nguyên Thuyền tự” cũng vốn được xây dựng từ lâu đời, nhưng đến thời vua Bảo Đại năm thứ 4 (1929) được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc” để phía trước thờ Thần, phía sau thờ Phật và còn giữ nguyên được kiến trúc điêu khắc đến ngày nay.

Chùa Thượng Đồng không những thờ Phật mà còn thờ Thần. Tòa tiền đường chính là nơi đặt hương án, ngai, bài vị, siêu đao bát bửu thờ Thần; tại đây còn đôi câu đối cổ phản ánh về việc thờ Thần, Phật như sau:

 “Phật tự viên cường linh mãn tọa
Thần từ y phả sắc hoà ban”.

Việc thờ Đức Vua Bà còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống: hàng năm cứ đến ngày 10 tháng giêng, dân làng lại tổ chức giỗ Vua Bà và đến ngày mồng 10 tháng 8 thì mở hội đình làng. Xưa kia, để mở hội đình đám, ngay từ mồng 9 làng tổ chức rước sắc phong từ ban thờ sắc ở chùa về đình để tế lễ. Ngày mồng 10 chính hội, hai ông Quan đám và các giáp trong làng phải rước cỗ chay ra đình để tế thần. Cỗ chay là các loại bánh, hoa quả của địa phương như oản, chè kho, bánh mật, hồng, chuối... Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò dân gian vui chơi giải trí như tuồng, chèo, ảo đào, vật, chọi gà, cờ... và đặc biệt là tục hát Quan họ.

Giá trị nổi bật của đình, chùa Thượng Đồng là còn bảo lưu được hệ thống cổ vật như thần tích, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối. Các đạo sắc phong của các triều vua phong tặng người được thờ có các niên đại như sau: Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Cảnh Hưng 44 (1783), Tự Đức 3 (1850), 2 đạo Thiệu Trị 4 (1844), Minh Mệnh 2 (1821), Đồng Khánh 2 (1886), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 6 (1911). Đặc biệt là tấm bia đá của đình Thượng Đồng có tên là “Thượng đẳng tối linh” được dựng khắc năm Tự Đức 3 (1850) cho biết lai lịch bà Chúa Lẫm và có thể tóm tắt như sau: Đức Vua Bà là người thôn Quả Cảm, sinh vào năm Thiên ứng Chính Bình thứ 4 (1235), dáng vẻ không trần tục, thái độ thật khác thường. Cha mẹ là người hiền lành nhân hậu, làm nghề nông và có thêm nghề buôn bán. Năm ông bà ngoài 30 tuổi mà chưa có con, nên đi cầu tự ở chùa và được mộng Quan Âm cho một đóa mây trắng, sau đó sinh ra Đức Bà. Từ nhỏ đến lớn, Đức Bà luôn là người hiền lành nhã nhặn và tài sắc hơn người. Vào đời vua Trần Anh Tông, một hôm theo mẹ đến Tràng An bán hàng. Giữa đường bỗng gặp xa giá của nhà vua đi qua. Hai mẹ con sợ hãi liền lấp vào một bụi cây ven đường. Bỗng viên quan hầu cận vua đến bên bụi cây nói rằng: “Nơi ấy hiện lên một đóa mây trắng, mắt trời đã soi báo, người nào trốn ở đây phải mau mau ra nhận lệnh”. Mẹ con bà vội sửa áo quần để ra mắt nhà vua. Nhà vua thấy trước mặt là một cô gái đẹp tuyệt trần, liền xin mẹ già cho nàng về kinh, xuống chiếu cho mẹ hiền về quê phụng dưỡng. Đức Bà được nhà vua vô cùng yêu mến, cha mẹ được ban ân nhiều. Hầu hạ vua được 5 năm thì Đức Bà có mang. Nhà vua ban sắc là Hoàng phi đệ tam cung, ban cho 72 trang ấp làm bổng lộc riêng. Đức Bà đang mang thai thì bỗng mang bệnh nặng rồi mất. Nhà vua vô cùng thương tiếc, đích thân làm lễ và truy tặng Hoàng hậu, lệnh cho 72 trang ấp của Đức Bà phải thờ làm Phúc thần và cho quan trong triều hộ tống thi hài về an táng xây lăng tại địa đầu núi Hoàng Nghênh thuộc làng Quả Cảm (hiện nay lăng mộ vẫn còn).

Căn cứ theo văn bia đình làng Thượng Đồng thì 72 trang, ấp (làng, xã) trong vùng cửa sông Ngũ Huyện Khê phải thờ Đức Vua Bà làm Phúc Thần, trong đó có thôn Thượng Đồng. Mặt khác, tại thôn Thượng Đồng còn có truyền thuyết kể rằng: Xưa kia bởi Thượng Đồng có núi và các dộc nước làm đường giao thông là nơi tập trung kho lương của Đức Vua Bà, các trang, ấp trong vùng là đất thực ấp phải tập trung lương thực về Thượng Đồng; cho nên núi được mang tên là “núi Lẫm”, làng mang tên là “làng Lẫm”, các cánh đồng xung quanh mang tên là đồng Thóc, đồng Gạo... Chính vì vậy, Thượng Đồng là nơi thờ phụng Đức Vua Bà được các triều vua ban sắc phong và được lập bia đá để ghi khắc lại sự tích người được thờ, còn dân gian truyền tụng nhau Thượng Đồng là nơi thờ Bà Chúa Lẫm.