Ở Việt Nam, ngay từ thời Lý, trên phù điêu chân cột chùa Phật Tích người ta đã thấy có đàn nhị.

Nhị được cấu thành bởi 5 bộ phận: Cần đàn bằng gỗ cứng có tiết diện hình chữ nhật hoặc tròn được uốn ngược về phía sau và có hai trục lên dây cắm xuyên ngang qua. Dọc đàn có tiết diện hình tròn, phần cuối cắm xuyên qua bầu đàn.

Bầu đàn được tiện bằng gỗ cứng, miệng sau loe hình hoa rau muống, miệng trước được bịt bằng da rắn, da trăn hoặc da kỳ đà. Trên mặt đàn có đặt một mẩu gỗ nhỏ gọi là ngựa đàn.

Nhị hay hồ (loại nhị có âm trầm) đều có hai dây. Xưa dây đàn được xe bằng tơ, nay được thay bằng kim loại hoặc nilon. Cao độ giữa hai dây cách nhau một quãng năm.

Khuyết nhị giữa hai dây là một vòng dây bằng tơ buộc vòng qua hai dây và cần đàn khống chế âm vực và có thể điều chỉnh độ cao thấp của hai dây buông.

Cung kéo làm bằng một tay tre uốn cong và chùm lông đuôi ngựa được mắc căng từ hai đầu và luồn vào giữa hai dây. Người ta còn gắn thêm cục nhựa thông trên bầu đàn để tăng sự cọ xát giữa dây và cung kéo tạo độ vang cho âm thanh.

Ngày nay, ở Việt Nam, nhị là nhạc cụ được dùng nhiều trong các dàn nhạc sân khấu tuồng, chèo, cải lương, dàn nhạc nghi lễ như chầu văn, dàn nhạc dân gian như hát xẩm ở Bắc Bộ và đờn ca tài tử Nam Bộ. Ngày nay, có nhiều nghệ sĩ độc tấu nhị với những bản nhạc không lời nổi tiếng được sáng tác riêng cho đàn nhị. Đàn nhị còn được trình diễn ở nhiều nước trên thế giới với tác phẩm tiêu biểu “Kể chuyện ngày mùa” của nhạc sĩ Thao Giang.