Làm cha, làm mẹ ai chẳng muốn những đứa con mình mang nặng đẻ đau chóng khôn lớn, trưởng thành. Con cái khoẻ mạnh, có kiến thức là nỗi ước mong của người cha, người mẹ. Họ chẳng bao giờ tiếc công, tiếc của đối với việc nuôi dạy con cái thành người. Nhận thức đó được thể hiện qua câu tục ngữ: ăn vóc học hay. Trong câu tục ngữ này các từ vóc và hay là những từ khó hiểu, cần được làm sáng rõ. Trước hết hay trong học hay có nghĩa là giỏi. Chúng ta cũng đã từng gặp hay theo nghĩa này qua các từ ngữ hay giỏi, hay chữ (Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy). Vì hay là một tính từ nên vóc - từ đối ứng với nó cũng phải là một tính từ. Tuy vậy trong văn học dân gian và các truyện Nôm, vóc thường xuất hiện với nghĩa danh từ để chỉ thân thể, dáng hình của con người, chẳng hạn: vóc ngọc mình vàng, lớn người to vóc, vóc sương, vóc bồ liễu... Với ý nghĩa này, vóc không tương ứng với hay trong học hay. Nhưng có lẽ trong tiếng Việt, vóc đã được chuyển nghĩa từ chỗ chỉ thân thể sang chỉ đặc tính khoẻ mạnh của con người, chẳng hạn, có vóc được dùng để chỉ "sự cao lớn chắc chắn", vóc dạc chỉ hình tích cao lớn. Do đó, câu tục ngữ ăn vóc học hay được hiểu là ăn khoẻ, học hành giỏi giang.

Cố nhiên, ăn vóc học hay thường thể hiện quan niệm và lòng mong muốn của các bậc cha mẹ đối với con cái. Họ hiểu rằng công sức, tiền của dùng để nuôi dưỡng và cho con cái ăn học cũng cốt để cuối cùng làm cho con cái mình khoẻ mạnh, khôn lớn, tuyệt nhiên là không lãng phí, vô ích. Ăn vóc học hay vì vậy trở thành niềm vui, sự động viên, lòng tin tưởng của các bậc cha mẹ đối với nhiệm vụ nuôi dạy con cái. Mở rộng ra, ăn vóc học hay cũng trở thành niềm tin của mọi người đối với công sức của mình trong việc rèn luyện và học tập. Phàm những ai biết khổ luyện và chịu khó học hành nhất định sẽ tài giỏi hơn và có cơ để thành đạt trong sự nghiệp và cuộc đời.