Từ thời cổ cư dân Việt có tục ăn trầu trong sinh hoạt hàng ngày của mình, nhất là trong các nghi lễ thường nhật như: tiếp khách, đón bạn, giỗ chạp, cưới xin, ma chay, hội hè, khao vọng… cả trong lúc làm việc, khi chuyện trò sau bữa cơm. Ăn trầu là tập tục phổ biến hầu khắp cư dân nông thôn và thành thị cho đến gần đây.

Miếng trầu gồm có: 1 miếng cau (tuỳ quả cau to hay nhỏ mà bổ tư, bổ sáu) 1 miếng lá trầu không, vôi quệt cho vừa và một khẩu vỏ chay, có nơi giã thêm một mẩu thuốc lào làm tăng độ say của trầu; có thể là trầu têm (tức miếng lá trầu không sau khi quét vôi gấp lại cũng gọi là têm) cho kín, gọn và đẹp, có khi miếng lá trầu quét vôi để lên đĩa gọi là trầu bài (không têm lại) tùy mỗi hoàn cảnh mời trầu.

Do thói quen dùng trầu như vậy, nên mọi chuyện chỉ có thể xảy ra sau khi chủ nhà đã mời trầu, “miếng trầu là đầu câu chuyện” là nghĩa như thế.

Tục truyền từ thời Hùng Vương, có hai anh em nhà nọ cùng yêu một cô gái, nhưng rồi người anh lấy cô gái làm vợ; người em buồn bỏ nhà ra đi, khi đến bên bờ suối ngồi khóc rồi hoá thành tảng đá (vôi). Ở nhà người anh thương em đi tìm, đến bên bờ suối, ngồi bên tảng đá khóc thương đến chết rồi hoá thành cây cau mọc cạnh tảng đá. Người vợ thương nhớ chồng bèn đi tìm, đến bên bờ suối rồi ngồi lên tảng đá, tay vịn lên cành cau khóc than và biến thành cây trầu không leo lên thân cau. Cha mẹ cô gái biết, bèn cho lập đền, thờ phụng ba người.

Một lần, vua Hùng đi tuần thú qua đấy, thấy cây xanh tốt mọc trên tảng đá, bèn hỏi thổ dân, sau khi biết sự việc vua lấy làm thương tâm, rồi sai thị vệ hái lấy quả cau bổ thành miếng, lấy đá nung thành vôi rồi quệt vào lá trầu, ăn đồng thời cả cau lẫn trầu thì có mùi thơm cay, nhất là sau bữa cơm mà ăn trầu lại càng dễ chịu. Nhà vua truyền cho bàn dân thiên hạ cách ăn trầu, cau và trầu không được nhân rộng khắp toàn cõi.