Ông lão nhà quê và đứa cháu bàn nhau đem con lừa ra hội chợ bán. Để con lừa khỏi mệt mỏi hầu có thể bán được giá cao, họ buộc chân lừa lại và hai ông cháu khệ nệ gánh con lừa đi.

Đi được một đoạn, người đi đường thấy thế phá ra cười và bảo: “Có con lừa mà không chịu cỡi lại khiêng nó. Sao mà ngu thế!” Ông lão nhận thấy mình ngu thật, vội để con lừa xuống, cởi trói cho nó, và để đứa cháu cỡi lên lưng lừa, còn ông thì đi theo sau.

Một lúc sau, khách bộ hành trông thấy thế, mắng thằng cháu: “Mày là đồ bất hiếu bất mục! Sao lại để Ông mày già yếu thế mà đi bộ. Chính mày phải đi bộ mới phải!” Một lần nữa, nghe theo ý khách bộ hành, Ông già leo lên lưng con lừa, đứa cháu bước theo sau.

Đến một đoạn đường khác, ba cô gái đi qua thấy vậy, một cô bảo: “Tội nghiệp thằng bé, phải đi khập khễnh theo sau, trong khi ông già tưởng mình khôn ngoan lại ngồi chễm chệ trên lưng lừa!” Ông già nhận thấy ý kiến đúng, bảo thằng cháu cùng lên ngồi trên lưng lừa.

Rồi một toán người khác đi ngang qua lại phê bình: “Sao lại bắt con lừa đáng thương ấy chở nặng như vậy? Họ không biết thương hại con vật già nua của họ tí nào cả. Ra đến hội chợ thì họ chỉ còn mảnh da lừa để bán!” Một lần nữa, hai ông cháu xuống đi bộ, để con lừa đi thong dong đằng trước.

Vẫn chưa hết, một khách qua đường thấy vậy than rằng: “Sao họ không để con lừa vào lồng kính mà thờ! Họ đi mòn giầy của họ để bảo vệ con lừa. Đúng là ba con lừa!”

Bấy giờ Ông lão mới trả lời: “Vâng, chính tôi là con lừa! Nhưng từ nay về sau, dù người ta khen hay chê tôi, dù người ta nói điều gì hay không nói điều gì, tôi chỉ làm theo đầu óc của tôi mà thôi!”