Âm tố

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Khi phát âm các âm tiết tan và lan, chúng ta nhận thấy giữa chúng có sự khác nhau. Sự khác nhau ở đây rõ ràng là do "t" và "l" gây ra. Như vậy có thể phân tích âm tiết thành những yếu tố nhỏ hơn, "tan" do 3 âm "t", "a", "n" phối hợp thành, và "lan" do 3 âm "l", "a", "n" phối hợp thành. Người ta gọi các yếu tố vừa tách ra khỏi 2 âm tiết trên là âm tố. Âm tố được ghi vào giữa hai kí hiệu [], ví dụ: âm tố [a], [b], [c], v.v.

Âm tố là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất trong lời nói. Một âm tố "a" ở ba người nói sẽ có ba cách phát âm khác nhau. Thậm chí, một người khi phát âm "a" ở ba thời điểm phát âm khác nhau, thì âm "a" khi phát ra cũng không hoàn toàn giống nhau. Đứng về mặt phát âm, chúng ta có vô số âm tố khác nhau. Có 3 loại âm tố là nguyên âm, phụ âm, bán âm (bán nguyên âm hay bán phụ âm)

  • Nguyên âm có đặc điểm là khi phát âm không bị luồng hơi cản lại, ví dụ âm a, u, i, e, o, ...
  • Phụ âm có đặc điểm là khi phát âm thì luồng hơi bị cản lại, ví dụ âm p, b, t, m, n, ...
  • Bán âm có đặc điểm giống nguyên âm về mặt cấu tạo, và giống phụ âm về mặt chức năng (nên còn được gọi là bán nguyên âm hay bán phụ âm), ví dụ /u/ (ngắn), /i/ (ngắn).


Âm Vị

Như đã nói ở phần âm tố, cách phát âm một âm "a" của mỗi người và ngay ở một người, trong những thời điểm khác nhau, cũng không hoàn toàn như nhau. Và do đó, ta có vô số âm cụ thể của "a". Dựa vào những nét chung nhất, người ta quy nó về một đơn vị khu biệt, có chức năng phân biệt nghĩa, gọi là âm vị.

Âm vị trong tiếng Việt là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có chức năng khu biệt nghĩa. Nếu số lượng âm tố là vô số, thì số lượng âm vị là có hạn, khoảng vài chục đơn vị trong một ngôn ngữ. Để khu biệt với âm tố, người ta ghia âm vị ở giữa hai kí hiệu //, ví dụ: âm vị /a/, /u/, /o/, v.v.

Tiếng

Khi người Việt phát âm các âm tiết để tạo nên chuỗi lời nói trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, đơn vị được dùng trong chuỗi lời nói là "tiếng". Tiếng trong tiếng Việt thường được hiểu là âm tiết, về mặt là đơn vị có nghĩa, dùng trong chuỗi lời nói. Khi phát âm, mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra một hơi, có mang một thanh điệu nhất định. Tuy nhiên, trong lời nói hàng ngày, thường người ta nói đến tiếng nhiều hơn là âm tiết. Ví dụ trong phát ngôn Cháu nó mới nói được hai tiếng "bà" và "mẹ", thì chúng ta có thể nói phát ngôn đó gồm 10 âm tiết hoặc 10 tiếng, nhưng không ai nói Cháu nó mới nói được hai âm tiết "bà" và "mẹ", mặc dù "bà" và "mẹ" khi phân tích về mặt phát âm là 2 âm tiết.

Trên chữ viết, mỗi tiếng được ghi thành một chữ. Tiếng có thể trực tiếp hay gián tiếp gắn liền với một ý nghĩa nhất định và không thể chia ra thành những đơn vị có nghĩa nhỏ hơn nữa. Vì vậy có thể hiểu tiếng trùng với hình vị và từ: ăn, nói, đi, đứng, và, sẽ... là những tiếng trong tiếng Việt.

Cần chú ý: Trong phát ngôn "tiếng trong tiếng Việt" thì "tiếng" được hiểu như ở trên, còn "tiếng" được hiểu với nghĩa là chỉ một ngôn ngữ cụ thể nào đó, ví dụ: tiếng Anh, tiếng Nga, biết nhiều thứ tiếng...

Hình Vị

Phân tích một phát ngôn (một đoạn của lời nói) người ta có thể phân xuất ra những đơn vị có ý nghĩa nhỏ nhất, đơn vị đó là hình vị.

Ví dụ trong phát ngôn "Ngày mai tôi nghỉ học" sẽ có 5 hình vị có ý nghĩa là "ngày / mai / tôi / nghỉ / học".

Hình vị thường có hình thức cấu tạo một âm tiết, tức là mỗi hình vị trùng với âm tiết, trên chữ viết mỗi hình vị được viết thành một chữ. Hình vị trong tiếng Việt có thể một mình đóng vai trò như một từ cũng có thể làm thành tố cấu tạo từ, nhưng nó chỉ được phân xuất ra nhờ phân tích bản thân các từ.

Tóm lại, khi phân tích chuỗi âm thanh của lời nói, người ta nhận thấy có những đơn vị ngữ âm được phát ra với một luồng hơi liên tục, không bị cắt đoạn ra trong dòng ngữ lưu, đơn vị đó gọi là âm tiết. Trong tiếng Việt, một âm tiết thường mang một thanh điệu và được ghi lại thành một chữ. Khi phân tích một phát ngôn (một đoạn của lời nói), người ta phân xuất ra được những đơn vị nhỏ nhất trùng với âm tiết, đó là tiếng. Tiếng thường trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với với một ý nghĩa nhất định cho nên trùng với hình vị và từ. Hình vị có hình thức cấu tạo một âm tiết, tức là mỗi hình vị trùng với âm tiết, nó có vai trò như từ nhưng nó không phải là từ vì từ bao gồm nó. Âm tiết, hình vị và từ là đơn vị của ngôn ngữ, còn tiếng là đơn vị của lời nói.