Tổng quan > Thảo luận văn hóa Việt > Văn hóa - Đời Sống > Vật cổ truyền Việt Nam (Phần cuối)
[#11]

Vào thế kỷ XVI, có một giai thoại về quan Thượng thư mê vật như sau: Thượng thư Nguyễn Doãn Khâm thời nhà Mạc,vốn là một đô vật. Một ngày Xuân nọ đi qua làng Giao Tất (Gia Lâm Bắc Ninh) mởù hội đầu năm, thấy một đô vật đã ba ngày liền giữ giải làng. Ông dừng lại và xin vào đọ sức. Đô vật đang giữ giải giận lắm, định bụng vật ông ngã ngay tức khắc. Song chỉ một keo, ông đã làm cho đô vật ấy lấm lưng, trở tay không kịp. Anh ta liền bái phục, xin nhường lại giải cho ông. Nhưng ông không nhận. Đó là một giai thoại mà nhân dân hay truyền tụng để nói lên tinh thần thượng võ và tính khiêm tốn, thương yêu lẫn nhau giữa các đô vật (11)

Trên phần lớn các cột kèo, hoành phi, bình phong bằng gỗ quí tại đình, chùa, đền, miếu ở miền Bắc xưa các nghệ sĩ dân gian thường trang trí, chạm trổ, tạc khắc những cảnh sinh hoạt, hội hè đương thời, và đấu vật là một đề tài không thể thiếu trong những trang trí này.

Tác giả Bàng Bá Lân có bài thơ "Vô Địch" nói về đấu vật như sau:

Vô Địch

Trên sân cỏ trưôc đình, hai đấu thủ.

Hai tượng đồng - đối mặt đứng khom khom.

Bốn cánh tay dang thẳng đợi giao đòn;

Bốn chân vững như chôn liền xuống đất.

Họ lăn lẳn nhìn nhau vào tận mặt.

Bắp thịt căng, cuồn cuộn nổi như thừng.

Mắt gườm gườm như cọp dữ tranh hùng.

Cằm chành bạnh, tay chờn vờn giữ miếng.

Bỗng như chớp, cà hai cùng chồm đến.

Nắm tay nhau giật, lắùc, vặn tơi bời..

Tùng, tùng... tùng. Trống vật giục liên hồi.

Cuộc giao đấu đã tới màn gay cấn:

Anh "Khố Đỏ", to con hơn chèn lấn

Ghì đối phưóng muốn nghẹt thở rơi xương.

Nhưng "Khố Đen" luồn mau lẹ dị thường

Như lươn trạch, thoát vòng tay địch thủ.

Cuộc đấu sức vẫn chưa phân thắng phụ,

Mọi ngón đòn ác liệt được đưa ra.

Mồ hôi nồng thoa mỡ bóng làn da.

Bỗng "Khố Đỏ" vung tay như trăn gió.

Quấn chặt cứng lấy cánh tay đối thủ,

Còn tay kia quờ rộng bắt ngang chân

"Khố Đen" vùng nhẩy vọt vượt qua tầm

Tránh thoát kịp, và tung đòn hiểm độc.

Hắn húc mạnh đầu đối phương nghe "cộp"

"Khố Đỏ" bất ngờ lộng óc, chùn chân,

Mắt hoa lên, lỏng hở cánh tay thần

"Khố Đen" lẹ luồn nhanh vào bụng địch,

Chuyển thần lực, đội bổng trăm cân thịt

Quay một vòng và quật ngửa tênh hênh

Tiếng hò reo vang rộn cả sân đình.

Hoan hô kẻ vừa thắng vòng chung kết. (12)

V/ ĐOẠN KẾT

Xuân đã hết, ai nấy lại tiếp tục công việc đồng áng và hẹn gặp nhau trong những ngày Xuân năm sau.

Điểm ghi nhận nơi đây là các đô vật nông dân xưa có một tinh thần thượng võ đáng kính trọng, họ ganh đua nhau trong tài cao thấp, kẻ thắng người bại đều hả hê vui vẻ, khâm phục nhau thật sự, không hận thù ghen ghét. Mặc dù phần thưởng các giải vật không đáng giá bao nhiêu so với công lao lặn lội từ xa xôi và sắm sửa lễ

vật mang đến, họ vẫn nao nức, hăng say rủ nhau đến phá giải. Hễ nghe thấy nơi nào, làng nào mở Hội Vật nhất nhất họ cũng hẹn hò, lặn lội rủ nhau đến dự để đua sức, để xem mặt biết tên người vô địch.

Vật cổ truyền Việt Nam có xu thế thiên về các đánh và đỡ ở thế thấp. Tuy nhiên, vật Việt Nam cũng có sử dụng các miếng ở thế đánh cao như Đội, Sườn, và nhiều miếng đánh khác đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng nói chung ít được dùng. Và dù ở thế, miếng nào, thấp hay cao, đều dùng tài nghệ làm cho đối phương té ngã “lấm lưng trắng bụng”. loại trừ những lối đánh ác hiểm. Điều này đã trở thành đạo lý và phong tục trong làng vật Việt Nam xưa. Nhờ vậy, tuy trong từng làng xã chưa có luật lệ đấu vật thành văn rõ ràng, nhưng từ các đô vật tới người xem trước nay đều coi những lối đánh ác hiểm là xấu, là hèn, trái với tinh thần thượng võ chân chính. Những đô vật có kỹ thuật cao, có miếng đánh sáng tạo, điêu luyện, được nhân dân quí mến, tuổi trẻ tin theo, triều đình mộ dụng vậy.

Chú thích

(1) Pierre Gourou, Les paysans du delta tonkinois, Paris, Monton et Ce Lahay, 1965.

(2)Vật Việt Nam, Tổng cục Thể Dục Thể Thao, Ha Nội, 1974, trang 9.

(3) Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, nhà XB Xuân Thu tái bản tại Los Alamitos USA, trang 230.

(4) Lý Tế Xuyên, Việt Điện U-Linh Tập, bản dịch của Lê Hữu Mục, Saigon, nhà sách Khai Trí, 1960, trang 49.

(5) Trần Quốc Vượng (chủ biên), Nghìn Xưa Văn Hiến, TẬP I, tái bản lần 1, Hà Nội, nhà xuất bản Hà Nội, 2000, trang 133..

(6) Quốc Sử Quán thế ky XIX, Việt Sử Thông Giám Cương Mục,(chinh tên là “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”) Chính biên, quyển 6-8, tập V, Tổ Biên Dịch: “Ban Nghiên Cứu Văn Sử Địa “ biên dịch và chú giải, Hà Nội, nhà xuất bản Văn Sử Địa, 1958, trang 455.

(7) Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, tập IV Binh Chế Chí, Văn Tịch Chí, Bang Giao Chi, bảng sách dẫn, Viện Sử Học Việt Nam phiên dịch và chú giải, Đào Duy Anh hiệu đính, Hà Nội, nhà Xuất bản Sử Học, 1961, trang 34-35.

( Vũ Phương Đề, Công-Dư Tiệp-Ký, quyển I, dịch giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, in lần thứ nhất, Saigon, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1961, trang 17-19.

(9) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, tập III, Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch và chú thích, Hà Nội, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993, trang 109

(10) Phạm Đình Hổ & Nguyễn Án, Tang Thương Ngẫu Lục, dịch giả Đạm Nguyên, quyển nhất, Saigon, Bộ QGGD xuất bản, 1962, trang 85-86.

(11)Lê Đại, Nét Đẹp Của Tinh Thần Thượng Võ, tuần báo Thể Dục Thể Thao số 7(577), Hà Nội, thứ bẩy 12 tháng 2 năm 1976, trang 4.

(12) Bàng Bá Lân, Vào Thu, Thơ, Saigon, nhà xuất bản Ánh Sáng, 1969, trang 48.

Hết

Posted by Admin (bảo quản viên) on ngày 2 tháng 4 năm 2020 at 01:54.