Tổng quan > Thảo luận văn hóa Việt > Văn hóa - Đời Sống > Lược sử võ thuật Việt Nam (Phần 2)
[#13]

III. THỜI KỲ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ (939-1802 SAU CN) Năm 939, sau khi Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng, đánh đuổi được quân Nam Hán và giết được Thái Tử Hoằng Thao, Ngô Quyền đã thật sự giải phóng cho dân Việt khỏi ách ngàn năm đô hộ của người Trung Hoa, và cũng mở đường cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn về sau được tự chủ ở phương Nam.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua đạt lại quốc hiệu là Đại Cồ Việt, ngài lo việc tổ chức binh bị và chỉ thị cho binh sĩ tập trận đánh Trường Tiên, mà sau này dân Việt gọi là Trung Bình Tiên hay roi Quang Trường, để áp dụng vào việc chống giặc, giữ gìn bờ cõi. Về binh đội, ngài phân chia ra làm Đạo, Quân, Lữ, Tốt, Ngũ. Mỗi Đạo quân có 10 Quân, mỗi Quân có 10 Lữ, mỗi Lữ có 10 Tốt, mỗi Tốt có 10 Ngũ, mỗi Ngũ có 10 người.

Năm 980, vua Lê Đại Hành nhờ vào việc tổ chức binh bị hùng mạnh của nhà Đinh để lại mà đã tạo được nhiều chiến công hiển hách trong việc dẹp nội loạn, cũng như phá được đại quân Tống ở phương Bắc, bình được Chiêm Thành ở phương Nam. Do đó vua Lê đã tạo được thanh thế rất lừng lẫy.

Năm 1010, Lý Công Uẩn tiếp nối nghiệp đế của nhà Lê để sáng lập ra nhà Tiền Lý, truyền ngôi được chín đời. Lý Công Uẩn là vị vua rất giỏi võ thuật, xuất thân từ cửa thiền ngay từ nhỏ đã theo nhà sư Lý Khánh Vân làm con nuôi, được học võ lâm và đạo thiền tại chùa Cổ Pháp. Khi lớn lên nhờ tài văn võ mà được nhà tiền Lê bổ nhiệm chức Quân Tả Thần Vệ Viện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ rất trọng đãi giới tu hành, Phật giáo cũng được chọn làm quốc giáo, song song với Thiền tông, nhà vua cũng phát động việc huấn luyện môn võ lâm cổ truyền cho các quan viên, quân sĩ, cũng như các hoàng tử đều phải luyện tập võ lâm ngay từ thuở nhỏ. Khi lớn lên, các hoàng tử đều giỏi võ lâm và cách dùng binh. Muốn được phong vương các hoàng tử đều phải đích thân cầm binh đánh giặc để lập chiến công.

Năm 1054 - 1072, để gia tăng hiệu quả về binh bị, vua Lý Thánh Tông lo việc định quân hiệu, chia phân quân đội ra làm Tả, Hữu, Tiền, Hậu. Tất cả là bốn bộ, hợp lại là một trăm đội, mỗi đội đều có lính kỵ và lính bắn đá còn những phiên binh thì lập ra thành đội riêng biệt, không cho lẫn lộn với nhau. Binh pháp nhà Lý vào lúc bấy giờ có tiếng là giỏi, nhà Tống bên Trung Hoa đã phải tìm hiểu thêm. Điều này cũng làm vẻ vang cho con dân đất Việt.

Năm 1072 - 1127, vua Lý Nhân Tông còn chia võ ban ra làm chín phẩm. Quan đại thần có Thái Sư, Thái Phó, Thái Úy, Thiều Sư, Thiếu Phó, Thiếu Úy. Còn phái dưới có Thống, Nguyên Súy, Tổng Quản Khu mật Sứ, Khu Mật Tả Hữu Sứ, Kim Ngô Thượng Tướng, Đại Tướng,Tướng, Chu vệ Tướng Quân... . Vào thời này, cũng nên kể đến danh tướng Lý Thường Kiệt, một võ tướng tài ba thao lược cũng đã lập được nhiều chiến công rực rỡ trong cuộc dẹp nội loạn, bên ngoài phá Tống bình Chiêm Thành.

Năm 1125 - 1400, tiếp nối nhà Lý các vua nhà Trần chú trọng đến việc chỉnh đốn quân binh. Vua Trần Thái Tông ra luật tổng động viên, tất cả những dân trai tráng đều phải đi lính. Ngài cho mở nhiều "Giảng Võ Đường" để huấn luyện võ lâm cho dân chúng. Nhằm trông nom binh bị tại triều đình, vua đặt ra các chức: Phiêu Kỵ Thượng Tướng Quân, Cẩm Vệ Thượng Tướng Quân, Kim Ngô Đại Tướng Quân, Võ vệ Đại Tướng Quân, Phó ô Tướng Quân,... và ở ngoài, có các chức Kinh Lược Sứ, Phòng Ngự Sử, Thứ Ngự Sử, Quan Sát Sử, ô Hộ, ô Thống, Tổng Quản,... Binh lính được chia thành Quân và ô, mỗi Quân có ba chục ô, mỗi ô có tám chục người được xếp vào Quân và Hộ. Binh lính phải luôn luôn luyện tập võ thuật, sẵn sàng trong tình trạng chiến đấu. Binh lực của nhà Trần lúc này rất hùng mạnh, ba quân tướng sĩ rất là thương yêu lẫn nhau. Vì vậy, đã hơn ba lần thắng được giặc nhà Nguyên, đánh đuổi hơn năm chục vạn quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi vào năm 1284 - 1288, dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cùng với sự hợp lực của các võ tướng như Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão đã chiến thắng trận Chương Dương .Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão, Hưng Võ Vương Nguyên, Hưng Hiếu Vương Úy cùng với Hưng Đạo Vương đã đánh thắng quân Nguyên tại trận Vạn Kiếp, đến nổi tướng Mông Cổ là Thoát Hoan thua phải bỏ chạy về nước. Trần Khánh Dư cướp lương thực của quân Nguyên tại trận Vân Đồn. Tại trận Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương đại thắng bắt được Ô Mã Nhi và Trần Nhật Duật đã phá quân của Toa Đô ở trận Hàm Tử Quan. Đây là những chiến công rất hiển hách, vẻ vang nhất trong lịch sử vì với một đế quốc Mông Cổ lớn mạnh nhất vào thời bấy giờ, có một binh lực viễn chinh hùng mạnh, đã từng làm mưa làm gió tại các chiến trường lớn trên thế giới, đã chiến thắng thôn tính được nhiều dân tộc lớn trên thế giới như đã thôn tính được nước Trung Hoa, chiếm được Tây Bá Lợi Á, xâm lăng Trung Âu, uy hiếp được Áo và Đức... Thế mà khi đến bờ cõi Việt Nam, họ phải nếm mùi thật trận hơn ba lần. Hơn ba lần chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt đối với kẻ thù số 1 của loài người trong thời đó, đã chứng tỏ được dân tộc Việt là một dân tộc oanh liệt đứng hàng đầu trên thế giới. Trong lúc chống với giặc Mông Cổ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã soạn ra bộ "Binh Thư Yếu Lược". Đây là bộ sách tập hợp các phương pháp dùng binh đánh giặc của những danh gia trên thế giới để huấn luyện cho quân sĩ.

Năm 1400, sau khi cướp được ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly lo chỉnh đốn việc binh bị để đề phòng chống với giặc Minh. Hồ Quý Ly bắt dân kê khai hộ tịch rất cẩn thận rồi tuyển dân vào làm lính để gia tăng số binh sĩ, và chia quân đội ra làm bộ binh, và thủy binh. Ngoài ra còn thành lập bốn kho quân trang quân dụng, và tuyển dụng người có kỹ thuật vào làm việc ở xưởng sản xuất binh khí.

Về thủy binh, để đề phòng giữ mặt sông và biển, Hồ Quý Ly cho làm ra những chiến thuyền lớn, ở trên có sàng đi, ở dưới cho người chèo chống, thật là tiện lợi trong việc chiến đấu. Ở các cửa bể và nơi hiểm yếu của các sông lớn, Hồ Quý Ly cho người lấy gỗ đóng cọc để đề phòng quân giặc. Việc quân chế ở Nam và bắc được phân chia ra làm mười hai vệ, Đông và Tây được phân ra làm tám vệ. Mỗi vệ có mười tám đội, mỗi đội có 18 người. Đại quân có ba chục đội, trung quân có hai chục đội. Mỗi doanh có mười lăm đội, mỗi đoàn có mười đội. Còn những cẩm vệ chỉ có 5 đội và một người đại tướng thống lãnh.

Năm 1418, Bình Định Vương Lê Lợi cùng với các nghĩa sĩ sau nhiều năm gian lao thao luyện đứng lên khởi nghĩa ở đất Lam Sơn. Mãi đến năm 1427, ngài mới đuổi được quân nhà Minh ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua, trong các vị có công lao lớn theo giúp vua, đáng kể nhất về quan văn là ông Nguyễn Trãi trong việc tham mưu, về quan võ có đại tướng Lê Vấn và nhà sư Sa Viên trong việc huấn luyện võ dũng cho binh sĩ. Riêng về nhà sư Sa Viên, hiệu là Sơn Nhân người ở tỉnh Sơn La, Bắc Việt, vào năm 1407 ngài theo quy y học đạo tại chùa Huyền Thiên, tỉnh Sơn Đông Trung Hoa. Năm 1415, ngài về nước theo giúp vua Lê Lợi trong việc huấn luyện võ công cho các nghĩa sĩ.

Đến năm 1428, vua Lê Lợi cho mở ra những kỳ thi "Minh Kinh Khoa" bắt buộc các quan văn võ, từ tứ phẩm trở xuống phải dự thi, nghĩa là quan văn phải vào kinh thi sử, quan võ phải thi về võ kinh. Nhà vua còn mở rộng các khóa thi Minh Kinh cho dân chúng, để kén chọn nhân tài, ẩn sĩ ra giúp nước. Nhân vào cơ hội phát động võ thuật của vua Lê, thầy Sa Viên đã thành lập trường huấn luyện võ thuật, đặt tên là "Trường Võ Bình Định" để tưởng nhớ đến công lao của Bình Định Vương Lê Lợi, đã có công đánh đuổi quân Minh mang lại thanh bình cho xứ sở.

Năm 1460, vua Lê Thánh Tông cho mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên. Mỗi ba năm ngài cho mở kỳ thi võ để tưởng thưởng quân sĩ và kén chọn nhân tài võ dũng. Vào thời bấy giờ, nhiều võ sinh của trường võ Bình Định đã được trúng tuyển, cho nên danh từ võ phái Bình Định đã được dân chúng biết nhiều đến kể từ đó.

Về binh bị, vua Lê Thánh Tông còn chỉ thị cho các quan Tổng Binh phải chăm lo giảng tập trận đồ, thao luyện binh sĩ. Ngài cho đổi lại năm vệ thành năm Phủ: Trung Quân Phủ, Nam Quân Phủ, Bắc Quân Phủ, Đông Quân Phủ, Tây Quân Phủ. Mỗi phủ có sáu vệ, mỗi vệ có năm hay sáu sở, mỗi sở có bốn trăm người. Quân sĩ của năm phủ có khoảng sáu hoặc bảy vạn người. Ngài còn đặt ra ba mươi mốt điều quân lệnh để tập thủy trận, bốn mươi hai điều để tập bộ trận.

Năm 1679, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở miền Nam nền võ học Việt Nam còn chịu ảnh hưởng vào các võ phái của người Trung Hoa như Thiếu Lâm Nam và Bắc phái, Võ Đang, Nga Mi, Không Động, Bạch Hạc, Bát Quái Chưởng,... xuyên qua các quan binh của nhà Minh bất phục tùng Thanh Triều đến khai hoang lập ấp, định cư rãi rác trên các vùng đất cận Nam. Do đó, về sau người ta còn được nghe nhắc đến những danh từ như Võ Tiều, Võ Hẹ, Võ Quảng, Võ Hải Nam, Võ Phúc Kiến,... (để chỉ các môn võ do các người Trung Hoa, gốc thuộc các địa phương khác nhau). Đến đây, chúng tôi xin nhắc lại một quan điểm chính trị của chúa Nguyễn Hiền Vương, với ý định mở mang bờ cõi về miền Nam, cho nên chúa Nguyễn đã cho phép các tướng lãnh cùng hơn ba ngàn binh sĩ nhà Minh bất phục tùng Thanh Triều đến tỵ nạn, và tiện dịp, dùng họ để khai hoang, lập ấp tại các vùng đất cận Nam, rồi dần dần xâm chiếm các vùng đất của người Chân Lạp.

Về sau những vùng đất khai hoang, lập ấp này đã tạo nên những thành phố dân cư trù phú, sự thịnh vượng đáng kể nhất là việc sản xuất lúa gạo đã tạo nên một nền kinh tế lớn mạnh ở miền Nam. Nền kinh tế này đã giúp ích rất nhiều cho chúa Nguyễn trong công cuộc thống nhất sơn hà. Trong các tướng lãnh nhà minh đến khai hoang định cư, đáng kể nhất là tướng Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Lịch. Vào năm 1679, Trần Thắng Tài đã khai hoang tại Biên Hòa và dọc theo các vùng đất thuộc đồng bằng sông Đồng Nai. Còn Dương Ngạn Lịch lập ấp tại Mỹ Tho, và các vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1680, Mạc Cửu định cư tại Hà Tiên và vùng đất dọc theo vịnh Xiêm La (Thái Lan), Rạch Giá, Cà Mau.

Năm 1706, vào đời vua Lê Dụ Tông, ở miền Bắc chúa Trịnh Cương cho mở trường huấn võ, đặt quan giáo thụ để dạy cho con cháu các quan võ về môn võ kinh chiến lược. Cứ mỗi tháng một lần tiểu tập. Ba tháng một lần đại tập. Mùa xuân và mùa thu thì tập võ. Mùa đông và mùa hạ thì thập võ kinh (là binh thư chiến lược và chiến thuật, áp dụng những phương pháp dùng binh đánh giặc). Kể từ đó mà danh từ võ kinh mới được phổ thông trong quần chúng. Mỗi năm có một kỳ thi võ. Để tham dự vào kỳ thi võ, thí sinh lần lượt phải qua các bộ môn như bắn cung, múa giáo, múa gươm, bắn cung trong lúc phi ngựa, và bắn cung trong lúc chạy bộ. Sau cùng, thí sinh phải qua kỳ thi vấn đáp về nghĩa lý trong sách vỡ thánh hiền để xét về học lực và những phương lược trong sách võ kinh để xét về tài năng.

Năm 1740, Trịnh Doanh cho lập võ miếu ở chánh vị có bàn thờ Vũ Vương, Khương Thái Công, Tôn Võ Tử, Quan Tư,... Ở phía sau có bàn thờ Trần Hưng Đạo, và lập miếu riêng thờ Quan Công. Mỗi năm vào mùa xuân và thu, vua cho mở cuộc tế lễ tại võ miếu.

Posted by Admin (bảo quản viên) on ngày 2 tháng 4 năm 2020 at 01:54.